Loạt biên bản ghi nhớ được AgriS (Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa, Mã: SBT) ký kết gần đây nhấn mạnh yếu tố R&D với Đại học Quốc gia TP.HCM - trung tâm học thuật đa ngành có tiềm lực nghiên cứu mạnh, Đại học Nông Lâm TP.HCM - Đại học Nông Lâm TP.HCM – đơn vị đầu ngành trong đào tạo và nghiên cứu về nông nghiệp, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU – Singapore), nơi AgriS trở thành thành viên của Singapore Agri-Food Innovation Lab (SAIL),…
Điều này đánh dấu bước tiến mới trong hành trình kiến tạo mạng lưới hợp tác đào tạo – nghiên cứu - đổi mới sáng tạo mang tầm quốc tế.
Kết nối Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp: Đòn bẩy cho đổi mới sáng tạo
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nguồn lực nhân sự và năng lực đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt. Trong đó, nhà trường là nơi khởi nguồn tri thức và công nghệ và cần được kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa nghiên cứu và đào tạo thế hệ nhân lực đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sự liên kết chiến lược giữa AgriS và các đối tác học thuật thể hiện cách tiếp cận hệ sinh thái một cách bài bản và thực chất.
Với hệ thống Chuỗi giá trị tuần hoàn bền vững tích hợp ba trụ cột công nghệ: Agtech, Foodtech và Fintech, AgriS đã triển khai các định hướng hợp tác trọng điểm với các trường đại học.
Cụ thể, công ty chia sẻ dữ liệu nghiên cứu và đào tạo về kinh tế nông nghiệp số, đồng thời cùng các cơ quan quản lý đồng kiến tạo chính sách khoa học công nghệ và ESG.
AgriS cũng ứng dụng mô hình canh tác thông minh, truy xuất nguồn gốc và số hóa chuỗi cung ứng tại Tây Ninh và Bến Tre – hai vùng nguyên liệu chiến lược của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phát triển chương trình “học tích hợp – làm sáng tạo” dành cho sinh viên, hướng đến vận hành tại ba trung tâm liên kết toàn cầu gồm: Trung tâm R&D nông nghiệp tại Australia, Trung tâm R&D thương mại quốc tế tại Singapore và Trung tâm sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong nước, AgriS xây dựng hệ thống R&D quốc tế thông qua hợp tác với các viện, trường và tổ chức uy tín.
Các chương trình tập trung vào nghiên cứu công nghệ sinh học, phát triển thực phẩm và đồ uống từ thực vật, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như lên men protein, HPP, UHT, và xây dựng công thức dinh dưỡng đặc thù cho thị trường quốc tế.
Song song đó, AgriS đẩy mạnh kiểm soát khí thải carbon và cải tiến bao bì sản phẩm theo hướng tuần hoàn.
Đây là bước đi quan trọng giúp AgriS phát triển các sản phẩm chế biến sâu có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng đáp ứng thị trường quốc tế.
Từ nghiên cứu đến thực tiễn: Sức mạnh cộng hưởng trong tam giác “3 Nhà”
Trước sự đồng hành của Chính phủ thông qua các sự kiện hợp tác với các trường đại học, bà Đặng Huỳnh Ức My – Chủ tịch HĐQT TTC AgriS khẳng định: “Các Nghị quyết và Quyết sách là kim chỉ nam, nhưng chúng ta sẽ không thể biến tầm nhìn thành hiện thực nếu thiếu hệ sinh thái thực chất giữa 3 Nhà: Nhà nước định hướng – Nhà khoa học cung cấp tri thức – Nhà doanh nghiệp chuyển hóa kết quả nghiên cứu. AgriS cũng đang tích hợp thêm hai lực lượng quan trọng là Nhà nông và Nhà băng, tạo nên hệ sinh thái toàn diện cho nông nghiệp bền vững.”
Thông qua hệ thống hợp tác giáo dục – nghiên cứu – đổi mới đang được mở rộng toàn diện, AgriS đang dần hiện thực hóa vai trò là “điểm đến của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” tại Việt Nam. Đây không chỉ là chiến lược phát triển của một doanh nghiệp, mà còn là minh chứng cho sự hội tụ giữa khoa học, công nghệ và bản lĩnh doanh nhân trong hành trình nâng tầm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết AgriS đang từng bước xây dựng hệ sinh thái R&D xuyên suốt – từ hợp tác hàn lâm, phòng thí nghiệm đến sản xuất thương mại hóa – nhằm dẫn dắt ngành nông nghiệp Việt bước vào kỷ nguyên mới: dựa trên tri thức và khoa học dữ liệu, phát triển bền vững. Những bắt tay hôm nay là trang mới cho một hành trình lớn – nơi đổi mới sáng tạo trở thành động lực trọng điểm cho tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai.