Theo Bloomberg Economics, một thoả thuận thương mại toàn diện giữa Ấn Độ và Mỹ có thể thúc đẩy đáng kể lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất của quốc gia Nam Á này, từ đó mở đường cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cụ thể, trong báo cáo do hai nhà kinh tế Abhishek Gupta và Eleonora Mavroeidi công bố hôm 4/7, một thoả thuận sâu rộng có thể tăng gần gấp đôi kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Ấn Độ sang Mỹ trong một thập kỷ và giúp GDP tăng 0,6%.
Mỹ hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất của hàng hoá Ấn Độ, chiếm khoảng 19,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu bao gồm cả dịch vụ, tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đông dân nhất thế giới sang Mỹ sẽ tăng 64%.
Hai nhà kinh tế dự đoán phần lớn mức tăng xuất khẩu sẽ đến từ hàng dệt may và những hàng sản xuất cơ bản như đồ nội thất, đồ chơi và hàng tiêu dùng. Họ nhấn mạnh thoả thuận sẽ “đánh dấu một bước ngoặt” cho lĩnh vực sản xuất trong nước của Ấn Độ.
Các quan chức Ấn Độ và Mỹ đang chạy đua để đạt một thoả thuận trước hạn chót đàm phán thuế đối ứng 9/7.
Nếu chỉ chịu mức thuế tối thiểu 10%, Ấn Độ sẽ trở thành điểm đến thu hút đối với các doanh nghiệp đang tìm cách chuyển dịch hoạt động sản xuất hoặc đa dạng hoá chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, hai nhà kinh tế lưu ý.
Nếu không đạt thoả thuận nào và Ấn Độ phải chịu mức thuế đối ứng 26% như thông báo mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào đầu tháng 4, quốc gia này có thể hụt hơn một phần ba lượng hàng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ và GDP có thể giảm 0,7%.
Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên khởi xướng các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong năm nay. Tổng thống cũng Trump từng bày tỏ sự lạc quan về việc đạt một thoả thuận với New Delhi.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, lập trường của hai bên đã trở nên cứng rắn hơn trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, theo Bloomberg.