Các hãng công nghệ ráo riết trữ hàng tồn tại Mỹ đế né mức thuế quan đối ứng cao mà chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố đầu tháng 4.

Cuối tuần trước, dẫn nguồn tin từ quan chức cấp cao Ấn Độ, tờ The Times of India cho biết trong vòng 3 ngày, Apple đã thuê 5 chuyên cơ chở đầy iPhone và các sản phẩm khác từ Ấn Độ sang Mỹ. Các lô hàng được gửi gấp để tránh mức thuế nhập khẩu mới.

Đến nay, theo Nikkei Asia, không chỉ Apple, Dell, Microsoft và Lenovo đã yêu cầu đối tác chuyển gấp nhiều thiết bị cao cấp sang Mỹ. Họ tập trung vào các sản phẩm trị giá trên 3.000 USD, đặc biệt là máy tính.

“Một số khách hàng đã gọi và yêu cầu sản xuất càng nhiều thiết bị điện tử càng tốt, vận chuyển càng nhiều bằng đường hàng không càng tốt”, một giám đốc của nhà cung cấp cho Apple, Microsoft và Google chia sẻ. Trong khi một quản lý tại công ty vận chuyển hàng không quốc tế cho biết, họ đang chạy đua với thời gian.

Việc gấp rút tích trữ hàng tồn kho để tránh tăng giá sản phẩm do thuế quan là điều cần thiết. Với các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ tại Việt Nam, trao đổi với người viết, họ cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng và dự báo thuế đối ứng có ảnh hưởng rất thấp đến hoạt động kinh doanh.

Ông Nguyễn Lạc Huy - đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS, cho biết hiện họ chưa có thông tin về việc thay đổi giá bán iPhone cũng như các sản phẩm Apple khác tại Việt Nam.

“Mức thuế quan mới đây là áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu Mỹ, nên chúng tôi cho rằng sẽ không có biến động giá do việc tăng thuế. Tuy nhiên, tỷ giá có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới có thể là yếu tố tác động lên nhiều mặt hàng, trong đó có các sản phẩm Apple”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, thực tế trong quý II, quý III/2024, thị trường cũng chứng kiến việc tăng giá sản phẩm iPhone do tỷ giá tăng mạnh. Do đó, ông dự báo thời gian tới Apple có xu hướng điều chỉnh tăng giá.

Đại diện CellphoneS cho biết họ đã chuẩn bị kế hoạch hàng hoá, đảm bảo nguồn hàng ổn định. Đồng thời, họ vẫn giữ mục tiêu kinh doanh tăng trưởng ổn định hai chữ số trong năm 2025.

Cùng quan điểm, chuỗi bán lẻ FPT Shop cho rằng tỷ giá sẽ có tác động gián tiếp và nhu cầu có thể xảy ra trong ngắn hạn “nhưng không ảnh hưởng trọng yếu”.

“Đa phần các thiết bị công nghệ bán chính hãng tại Việt Nam đều không nhập khẩu từ Mỹ mà từ các nước ở khu vực châu Á nên hiện tại chưa có bất kỳ ảnh hưởng gì về nguồn cung và giá cả với các thiết bị công nghệ bán tại Việt Nam”, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Thương mại hệ thống FPT Shop, cho hay.

Phía Đầu tư Thế Giới Di Động - đơn vị vận hành hai chuỗi Điện Máy Xanh và Thế giới di động, không đưa ra bình luận khi được yêu cầu. Thế Giới Di Động là đơn vị bán lẻ hàng công nghệ có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Cuối năm ngoái, theo Báo cáo tài chính được Thế Giới Di Động công bố, họ có 22.028 tỷ đồng hàng tồn kho. Trong kỳ, Thế Giới Di Động tăng thu mua hàng hoá từ các bên đối tác. Trong đó, nợ phải trả người bán ngắn hạn tăng gần 14% so với đầu năm. Những người bán này chính là các nhà cung cấp sản phẩm điện tử, điện máy, … cho hệ thống siêu thị bán lẻ của Thế Giới Di Động.

Tại ngày cuối năm ngoái dư nợ của Thế Giới Di Động với CTCP Thế giới số là hơn 494 tỷ đồng, lớn hơn hẳn các nhà cung cấp khác và cao gấp hơn ba lần ngày đầu năm 2024.

Công ty TNHH Điện máy AQUA Việt Nam đứng thứ hai và cũng cao gấp hơn 1,5 lần so với 12 tháng trước. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về LG Electronics Việt Nam, Synnex FPT, Toshiba, TNHH Apple Việt Nam và Panasonic Việt Nam.

Báo cáo từ VCBS cho thấy nhóm ngành bán lẻ như Đầu tư Thế Giới Di Động, Bán lẻ Kỹ thuật số FPT sẽ chịu mức ảnh hưởng trung lập từ thuế quan đối ứng, nhưng có thể bị tác động gián tiếp do hàng hóa nhập khẩu tăng giá nếu tỷ giá tăng.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại MBS đánh giá các nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp, logistics là những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất. Các nhóm ngành cao su, giấy, dây cáp điện,… chịu tác động trung bình do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp. Trong khi đó nhóm nhóm sản phẩm tiêu dùng công nghệ không được đề cập tới.

Hiện hầu hết các sản phẩm công nghệ như Apple, Samsung đều đang sản xuất chủ yếu tại Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ.