Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) thông báo quyết định của Hội đồng quản trị về việc nhận chuyển nhượng đến 99,99% vốn góp tại Công ty TNHH Tuyết Hoa Đắk Lắk.
Công ty này hiện có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là bà Lê Thị Tuyết. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi heo; trụ sở được đặt tại B4 Lý Tự Trọng, phường Tân An, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Đây là đơn vị chăn nuôi thứ 8 mà BAF thực hiện M&A trong quý III và tính từ đầu năm đã là công ty thứ 9 thực hiện mua lại.
Cụ thể, tháng 11, BAF thông báo về quyết định nhận chuyển nhượng 99,99% vốn góp tại CTCP Phát triển Nông nghiệp sạch Thanh Xuân (Thanh Hóa). Tháng 10 mua lại 95% vốn góp CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Khuyên Nam Tiến (Đắk Lắk).
Song song đó, công ty nhận chuyển nhượng cổ phần tại 5 đơn vị chăn nuôi khác tại Quảng Trị gồm CTCP Toàn Thắng HT, Hoàng Kim QT, Việt Thái HT, Hoàng Kim HT-QT và Thành Sen HT-QT. Khối lượng nhận chuyển nhượng đều là 171.500 cổ phiếu, tương ứng 49% vốn điều lệ.
Thời điểm đầu năm 2024, công ty từng nhận chuyển nhượng 99,9% vốn góp tại CTCP Chăn nuôi CNC Thành Đạt Gia Lai.
Lãnh đạo BAF Việt Nam từng chia sẻ mục tiêu sẽ thâu tóm toàn bộ. Riêng nhóm 5 đơn vị đã mua 49% vốn, đây là các công ty có quỹ đất, đang hoàn thiện pháp lý và công ty sẽ mua lại toàn bộ sau khi hoàn tất các thủ tục.
Động thái thâu tóm diễn ra mạnh mẽ sau khi công ty sắp được nguồn vốn mới. Công ty đang triển khai phương án phát hành tối đa 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 24 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tỷ lệ tăng vốn gần 27,2%.
Giá chào bán là 15.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với số tiền dự kiến huy động hơn 1.000 tỷ đồng. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
BAF dự kiến dùng gần 558 tỷ đồng để mua cám, phụ gia, nguyên vật liệu phục vụ các trang trại heo; 450 tỷ đồng để mua heo giống, heo cai sữa, heo hậu bị phục vụ các trang trại. Thời gian giải ngân dự kiến từ quý IV/2024 đến quý IV/2025.
Việc tăng vốn theo công ty là để hướng tới mục tiêu mảng chăn nuôi đạt 1,5 triệu con heo thịt thương phẩm 10 triệu con heo thịt thương phẩm bán ra thị trường năm 2030; tổng đàn nái đạt 400.000 con vào năm 2030 và trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp về chăn nuôi lớn tại Việt Nam.
Theo Chứng khoán DSC, BAF vẫn đang bám sát kế hoạch thay đổi cơ cấu doanh thu để tập trung hơn vào mảng chăn nuôi heo thay vì tiếp tục phụ thuộc vào mảng nông sản (đặc biệt là phân phối nguyên liệu thức ăn chăn nuôi).
Tính đến hết quý III, chăn nuôi đang chiếm hơn 60% tỷ trọng doanh thu của BAF, biên lợi nhuận gộp tổng tăng tốt lên mức 17%.
Tổng đàn heo của BAF tăng 73% so với đầu năm, đạt 520.000 con vào cuối quý III, tương đương 1 triệu heo thương phẩm và sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới. Dự kiến năm 2025, BAF sẽ tiếp tục xây dựng 15 trang trại với tổng đầu tư 3.000 tỷ để đáp ứng tốc độ tăng đàn nhanh.