Hồi đầu tháng này, tỷ phú Bill Gates thông báo rằng Gates Foundation sẽ đóng cửa sớm hơn dự kiến vào năm 2045. Kể từ khi được thành lập vào năm 2000, Gates Foundation đã trở thành một trong những quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, chi khoảng 100 tỷ USD để chiến đấu chống lại bệnh tật và cái nghèo.
Kế hoạch của Gates Foundation là chi thêm 200 tỷ USD nữa trong vòng 20 năm tới - tức toàn bộ tài sản của nhà đồng sáng lập Microsoft. Trường hợp của Bill Gates là ví dụ mới nhất về xu hướng cho đi nhanh chóng của các nhà tài phiệt.
"Ông tổ” của hoạt động thiện nguyện hiện đại là những nhà công nghiệp giàu có vào thế kỷ 19 như “vua thép” Andrew Carnegie và “trùm dầu mỏ” John D. Rockefeller. Họ thành lập các quỹ từ thiện vẫn còn hoạt động cho tới ngày nay.
Khác với cách tiếp cận lâu dài kể trên, hiện tại một số tỷ phú đang thử nghiệm những mô hình giúp họ quyên tặng nhanh chóng hơn. Bà MacKenzie Scott, vợ cũ tỷ phú Jeff Bezos, đã làm từ thiện hơn 19 tỷ USD chỉ trong vài năm.
Trong 10 năm qua, tỷ lệ các quỹ từ thiện gia đình ở Mỹ chọn chi hết tài sản thay vì duy trì lâu dài đã tăng từ 9% lên 13%. Điều gì khiến họ vội vàng như vậy?
Một số nhà tài phiệt có vẻ thực sự thấy phiền lòng vì số tài sản kếch xù của mình. Đơn cử, tỷ phú kinh doanh hàng miễn thuế Chuck Feeney đã lặng lẽ quyên tặng 8 tỷ USD và đóng quỹ từ thiện cá nhân trước khi qua đời vài năm trước.
Các tỷ phú hào phóng khác muốn cho đi khi họ còn sống để có thể kiểm soát hoạt động từ thiện. Họ không muốn lặp lại tình huống giống như gia tộc Ford. Các thành viên trong gia tộc này xung đột với quỹ từ thiện mà tổ tiên họ sáng lập suốt hàng thập kỷ và chỉ gần đây hai bên mới hòa giải bất đồng.
Một trong những lý do khác là giới siêu giàu ngày nay thành công sớm hơn nhiều so với thế hệ trước đây. Bill Gates kiếm được 1 tỷ USD đầu tiên năm 31 tuổi, trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới ở thời điểm đó. Một số CEO công nghệ ngày nay trở thành tỷ phú ở độ tuổi 20, do đó họ có thời gian để cho đi khi còn sống.
Bối cảnh hiện tại cũng thúc đẩy các tỷ phú hành động khẩn trương. Gates Foundation đang cố gắng lấp đầy một số khoảng trống do các nhà tài trợ chính phủ để lại.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Động thái này gây ảnh hưởng rất lớn bởi trong những năm qua, Mỹ là quốc gia chi nhiều tiền viện trợ nhất trong số các nước giàu.
Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang cắt giảm ngân sách. Theo ước tính của OECD, tổng hỗ trợ phát triển chính thức từ các nước tài trợ lớn nhất thế giới đã đi xuống trong năm 2024, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên trong vòng 6 năm.
Trong tình cảnh này, Bill Gates thấy rằng các nhà tài trợ tư nhân không có lý do gì để “để dành” tiền từ thiện. Ông giải thích: “Nhu cầu hiện nay đang rất cấp thiết và thế giới sẽ có thêm rất nhiều người giàu trong 20 năm tới”.
Ông Mark Suzman, CEO Gates Foundation, còn nói rằng 200 tỷ USD chỉ là ước tính “rất thận trọng” về số tiền quỹ này sẽ chi trong 20 năm tới.
Chính trị cũng là một trong những yếu tố khiến các tỷ phú hành động nhanh hơn. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có cái nhìn ngờ vực đối với hoạt động quyên góp tư nhân.
Tờ Economist cho biết các nhà trợ lo ngại ông Trump sẽ ký sắc lệnh hành pháp ngăn chặn việc quyên góp cho các dự án ở nước ngoài, hoặc quy định rằng các hành động vì môi trường không tính là từ thiện.
Do đó, họ thực hiện những khoản quyên tặng lớn ngay bây giờ, một phần để tránh các quy định mới và một phần để thúc giục những người siêu giàu khác cùng chung sức.