UBND tỉnh Bình Dương mới đây đã có buổi họp nghe báo cáo phương án nghiên cứu tiền khả thi Tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Thủ Dầu Một – TP HCM.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Thủ Dầu Một – TP HCM có điểm đầu kết nối ga S5 của tuyến số 1, thuộc phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Điểm cuối của tuyến đường sắt thuộc phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, nơi sẽ kết nối với tuyến số 3 TP HCM kéo dài thuộc phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP HCM.

Dự án có chiều tuyến 21,87 km, đi qua địa phận TP Thủ Dầu Một và TP Thuận An của tỉnh Bình Dương. Công trình được thiết kế đáp ứng năng lực chuyên chở từ 30.000 – 40.000 người/hướng/giờ, kết nối TP Thủ Dầu Một đến TP HCM và các đô thị dọc tuyến đường sắt.

Theo dự kiến, tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Thủ Dầu Một – TP HCM có khoảng 13 ga, bao gồm một ga trên cao và 12 ga ngầm. Dự án còn có một đề pô, được cân nhắc đặt chung với tuyến số 1 tại phường Phú Chánh, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương hoặc chung đề pô với tuyến số 3 TP HCM tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP HCM.

Về nguồn vốn đầu tư, đơn vị tư vấn đã đề xuất hai phương án. Trong đó, theo phương án 1, tuyến đường sắt sẽ đi trên cao, dự kiến chi phí hơn 53.000 tỷ đồng. Theo phương án 2, tuyến đường sắt sẽ đi ngầm, dự kiến chi phí hơn 68.500 tỷ đồng.

Qua xem xét các đề xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã thống nhất với phương án 1 (đi trên cao). Ông cho rằng đây là phương án tối ưu, giúp tiết kiệm được nguồn vốn rất lớn cho tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương, đơn vị tư vấn khẩn trương cung cấp dữ liệu, hoàn thiện nội dung báo cáo Thường trực UBND tỉnh để xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.