Theo bản cáo bạch niêm yết mới công bố, CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) dự kiến hoàn thành các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
"Tuy nhiên, do bị tác động kép của giá dầu và crack cùng giảm sâu trong nửa cuối năm nên lợi nhuận dự kiến không đạt kế hoạch", phía doanh nghiệp cho biết.
BSR là doanh nghiệp đặc thù có nhiệm vụ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn phải hoạt động để cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước kể cả trong trường hợp giá giảm, gây ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Nhà máy vận hành ở mức 110% công suất thiết kế trong năm qua, sản lượng sản xuất dự kiến 6,58 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch năm. Sản lượng tiêu thụ ước đạt 6,46 triệu tấn, vượt 14% kế hoạch năm.
Ban lãnh đạo công ty cho biết trong nửa đầu năm tuy nhà máy thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 nhưng khối lượng sản xuất/tiêu thụ vẫn đạt 50%/48% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế 1.608 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch năm.
Nhưng sang quý III, do lo ngại suy thoái kinh tế và nhu cầu yếu từ Trung Quốc, giá dầu biến động mạnh theo xu hướng giảm và crack spread giảm rất sâu. Hầu hết tập đoàn/công ty dầu khí trên thế giới ghi nhận kết quả sụt giảm nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực lọc dầu.
BSR vẫn đảm bảo nhà máy vận hành ổn định và liên tục ở công suất tối ưu. Công ty chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, hướng đến sản xuất tối đa sản phẩm có hiệu quả cao và công suất phù hợp với diễn biến thị trường, tiết giảm chi phí... Tuy nhiên, vì các nguyên nhân khách quan do tác động tiêu cực từ thị trường dầu mỏ toàn cầu, chỉ tiêu lợi nhuận không đạt kế hoạch.
Với năm 2025, BSR dự kiến doanh thu ở mức trên 107.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với kế hoạch 2024; lợi nhuận sau thuế 752 tỷ đồng, giảm 35% so với kế hoạch 2024 (1.148 tỷ đồng).
Năm ngoái công ty xây dựng kế hoạch trên giả định giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng và nhà máy dừng vận hành 50 ngày để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5. Còn kế hoạch 2025 được xây dựng trên giả định giá dầu thô 65 USD/thùng.
Liên quan tới dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, năm 2025, Ban quản lý dự án sẽ phấn đấu đạt các mốc tiến độ như: Thẩm định, phê duyệt thiết kế FEED; phê duyệt Hồ sơ mời thầu EPC; lựa chọn nhà thầu EPC; san lấp mặt bằng.
Tháng 5/2023, Chính phủ ký quyết định về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp mở rộng nhà máy Dung Quất. Theo đó, nhà máy sẽ nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày.
Tháng 3/2024, Bộ Công Thương đã có Thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Sau đó, HĐQT của BSR đã phê duyệt điều chỉnh dự án để tăng quy mô vốn đầu tư lên gần 1,5 tỷ USD, cập nhật cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 60/40.
Công ty đã ký Hợp đồng tư vấn lập thiết kế kỹ thuật tổng thể điều chỉnh (FEED) và đã lựa chọn ngân hàng điều phối các khoản vay tín dụng xuất khẩu cho dự án, đang hoàn thiện công tác lựa chọn các nhà cung cấp bản quyền công nghệ.
Công ty cho biết sẽ xây kế hoạch và lộ trình tăng vốn tùy vào nhu cầu vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Cuối 2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ của BSR lên 50.073 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD), đang được trình lên cơ quan thẩm quyền với kỳ vọng nhận được sự chấp thuận trước quý I/2025.
Việc tăng vốn này sẽ được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển và Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, với tổng tỷ lệ chia thưởng là 61,5%.
Vào ngày 12/12, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) đã có quyết định chấp thuận niêm yết đối với toàn bộ 3,1 tỷ cổ phiếu của BSR, tương đương giá trị niêm yết theo mệnh giá hơn 31.000 tỷ đồng. Mã chứng khoán này chính thức giao dịch tại HOSE vào ngày 17/1/2025.
Công ty kỳ vọng việc chuyển sàn niêm yết và việc triển khai thành công phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2025 sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững và gia tăng giá trị cho các nhà đầu tư.