Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2024, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 41 triệu USD, tăng 138% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu cá rô phi mang về 28 triệu USD, tăng 348% và cá điêu hồng đạt 13 triệu USD, tăng 20%.

VASEP cho rằng cá rô phi đang dần trở thành một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu tiềm năng bên cạnh cá tra và tôm.

Thị trường Mỹ nổi lên như điểm đến chủ lực của cá rô phi Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 19 triệu USD, tăng 572% so với năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng tăng 9%, đạt 2 triệu USD, sang Trung Đông tăng 60%, lên gần 2 triệu USD và sang Nhật Bản tăng gấp đôi lên 992.000 USD.

Đà tăng này tiếp tục trong quý I năm nay với kim ngạch đạt gần 14 triệu USD, tăng 131%, trong đó thị trường Mỹ chiếm đến 46% với hơn 6 triệu USD – gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường khác như Nga, Bỉ, Trung Đông cũng cho thấy tín hiệu tích cực về nhu cầu nhập khẩu.

Cũng theo VASEP, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh rõ rệt nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nuôi cá rô phi như khí hậu nhiệt đới, diện tích mặt nước lớn và chi phí sản xuất thấp. Việc ứng dụng mô hình nuôi tiên tiến như bể bạt, RAS giúp nâng cao năng suất, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn và giảm thời gian nuôi.

Thêm vào đó, bối cảnh quốc tế cũng tạo thêm cơ hội thuận lợi cho ngành cá rô phi Việt Nam.

Việc Trung Quốc suy giảm nguồn cung và bị áp thuế cao (54% trong 2025) khiến Việt Nam có thể tăng thị phần tại Mỹ. Ngược lại, RCEP giúp Việt Nam hưởng thuế 0% khi XK sang Trung Quốc từ 2025.

Trung Quốc, nước xuất khẩu cá rô phi hàng đầu thế giới, đang phải chịu thuế suất 54% từ Mỹ, sản lượng sụt giảm tạo dư địa lớn cho Việt Nam gia tăng thị phần tại Mỹ. Ngược lại, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lại giúp Việt Nam hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2025.

Trong khi đó, nhu cầu tiệu thụ cá rô phi toàn cầu có mức tăng trưởng 13%/năm, dự kiến đạt 20 tỷ USD vào năm 2030. Riêng thị trường Mỹ dự báo nhập khẩu khoảng 200.000 tấn/năm. EU, Trung Đông, Nhật Bản cũng là những thị trường đáng chú ý nhờ nhu cầu lớn và xu hướng tiêu dùng đồ ăn lành mạnh.

VASEP nhận định, quy mô thị trường cá rô phi toàn cầu năm 2024 đạt 10,6 tỷ USD, dự báo đạt 14,5 tỷ USD vào 2033. Sản lượng cá rô phi toàn cầu đạt khoảng 7 triệu tấn năm 2024, và dự kiến tăng lên 7,3 triệu tấn năm 2025. Tầm nhìn đến năm 2033, giá trị thị trường cá rô phi dự kiến đạt 14,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, theo VASEP, ngành cá rô phi Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Giống và dịch bệnh vẫn là bài toán nan giải với ngành cá rô phi Việt Nam. Giống cá lai cận huyết dẫn tới tăng trưởng chậm, tỷ lệ philê thấp. Dịch bênh do virus TiLV có thể khiến sản lượng giảm 15% - dịch bệnh đã buộc Brazil cấm nhập khẩu cá rô phi từ tháng 2/2024.

Ngoài ra, nguồn thức ăn cho cá còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, khiến chi phí nuôi biến động và khó kiểm soát.

Rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu lớn cũng là vấn đề đáng lưu ý. Mỹ hiện đang áp thuế 10-46% đối với cá rô phi từ một số thị trường, đồng thời yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và điều kiện lao động bền vững. Trong khi đó, chuỗi cung ứng nội địa vẫn còn thiếu liên kết, chi phí logistics tăng do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại toàn cầu.

Cá rô phi Việt Nam cũng vấp phải sự cạnh tranh từ các nước cung cấp khác như Brazil – xuất khẩu cá rô phi của nước này sang Mỹ năm 2024 tăng 79%, đơn giá thấp chỉ khoảng 3 USD/kg hay Trung Quốc – nước này vẫn không ngừng cái thiện sản xuất và giảm nhập khẩu.

Theo khuyến nghị của VASEP, để duy trì đà tăng trưởng, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng giống, đầu tư công nghệ nuôi tiên tiến và chủ động nguồn thức ăn. Cùng với đó, việc cải tiến chế biến, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng và đạt các chứng nhận quốc tế như ASC, BAP cũng sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh.

Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng blockchain cũng là giải pháp tiềm năng để minh bạch hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ quốc tế, đàm phán miễn thuế Mỹ giai đoạn tháng 4-7/2025. Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ từ giống, thức ăn, nuôi, chế biến đến tiêu thụ.