Chứng khoán MB (MBS) cho rằng kinh tế vĩ mô vững chắc, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thuận lợi kết hợp với yếu tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh sẽ là nền tảng một chu kỳ tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK).

Về yếu tố hỗ trợ, năm 2025 sẽ đánh dấu sự chuyển mình của nền kinh tế với mục tiêu phát triển 7 - 8% trong thập kỷ tới. Lợi nhuận thị trường năm 2025 - 2026 dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 18% và 19% so với năm trước, hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số.

Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các TTCK mới nổi. Cùng với đó, kỳ vọng chu kỳ nới lỏng của Mỹ sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại các TTCK mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Về khía cạnh rủi ro, MBS cho rằng chính sách điều hành khó dự đoán của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tác động đến triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam, có thể làm chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất của Fed. Bên cạnh đó là áp lực tỷ giá trong bối cảnh VND yếu, thị trường bất động sản nhà ở có thể phục hồi chậm hơn dự kiến, tạo gánh nặng lên tài sản đảm bảo của hệ thống ngân hàng.

Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 18% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, và định giá 12,5 - 13 lần P/E, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.400 - 1.420 điểm trong năm 2025.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1.486 điểm trong kịch bản cơ sở. Kết hợp với lợi suất cổ tức trung bình 12 tháng trong ba năm gần nhất ở mức 1,7%, tổng lợi nhuận kỳ vọng có thể đạt 19,9%.

Thanh khoản khớp lệnh trong năm nay được dự báo dao động từ 14.000 - 22.9000 tỷ đồng mỗi phiên, với trung bình 18.200 tỷ đồng mỗi phiên - tăng 10% so với 2024.

Cho năm 2025, các giả định trong dự báo triển vọng lợi nhuận của VDSC bao gồm nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6,8%, lạm phát ổn định ở mức 4% và tín dụng tăng trưởng 15%. Theo đó, EPS của VN-Index dự báo tăng 17,9% vào năm 2024 và tiếp tục tăng 12,2% trong năm 2025.

Ngoài ra điểm nhấn trong năm nay sẽ đến từ cơ hội nâng nâng hạng thị trường. Trong khi triển vọng nâng hạng theo FTSE khá chắn chắn, MSCI sẽ ghi nhận những cải cách của Việt Nam tạo ra môi trường minh bạch, công bằng, và thuận tiện hơn cho nhà đầu tư ngoại.

Với trọng số lớn và định giá đang ở vùng đáy lịch sử, việc tái định giá nhóm bất động sản sẽ tạo ra rủi ro tăng giá so với kịch bản của VDSC.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, vùng điểm phù hợp của chỉ số chung thời điểm cuối năm 2025 ở mức 1.460 điểm, tương ứng với tăng 16,7% của EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE. Vùng P/E mục tiêu là 14,6 lần, tương đương thời điểm cuối 2024 và thấp hơn mức bình quân 10 năm ở 16,6 lần.

Bối cảnh vĩ mô năm 2025 tiềm ẩn nhiều bất định khi bắt đầu nhiệm kỳ mới của Donald Trump, có thể đi kèm với nhiều xáo trộn về dòng chảy thương mại, môi trường lãi suất và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các phân tích của KBSV cho thấy năm 2025 nhiều khả năng sẽ là một năm ổn định về vĩ mô đối với Việt Nam ở góc độ tỷ giá và lãi suất.

Kết hợp với mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định của các doanh nghiệp niêm yết nhờ nền kinh tế tăng trưởng cao, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ có một năm khởi sắc.

Rủi ro và xu hướng biến động giằng co được dự báo sẽ còn duy trì trong quý đầu năm, đặc biệt khi thị trường có các phản ứng tiêu cực với tác động thực tế từ các chính sách mới của ông Trump được thể hiện qua đà tăng của DXY và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) chia ra ba kịch bản có thể xảy ra với VN-Index trong năm 2025. Đối với kịch bản tích cực, thanh khoản là yếu tố quan trong nhất để khẳng định được xu thế tăng đó có bền vững hay không. 1.360 - 1.450 điểm sẽ là vùng giá mà chỉ số hướng đến.

Đối với kịch bản cơ sở, TPS dự báo TTCK sẽ có một nhịp chỉnh trong ngắn hạn do áp lực bán tăng lên do các nhà đầu tư đã có lợi nhuận sau khi chạm lên ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, chốt lời bảo vệ tài khoản. Thị trường sẽ trở nên phân hoá rõ ràng khi bất chấp việc giảm điểm (nếu có), các ngành mang yếu tố dẫn dắt vẫn xuất hiện nhằm kéo lại chỉ số khi có cơ hội.

Kịch bản tiêu cực là khi yếu tố vĩ mô xấu nhất xảy ra, và xuất hiện sự bán tháo trên diện rộng, cùng việc tiếp tục rút ròng của khối ngoại. 1.180 điểm ( +/- 20 điểm) là vùng TPS kỳ vọng thị trường sẽ không phá vỡ và VN-Index có thể tạo đáy y. Nếu không thể giữ vững được 1.180 điểm, thị trường có thể tìm xuống những vùng giá thấp hơn như 1.130 điểm.

Quan điểm của Chứng khoán An Bình (ABS), với triển vọng kinh tế có sự bứt phá trong năm 2025, lãi suất toàn cầu trong đà giảm và lãi suất VND vẫn duy trì ở mức thấp, xuất nhập khẩu phục hồi, lạm phát và tỷ giá trong khả năng kiểm soát của Chính phủ, đầu tư công giải ngân mạnh, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn FDI, tăng trưởng tín dụng cải thiện, nhiều cải cách thể chế được thực hiện…

Nhóm phân tích ABS dự báo VN-Index năm 2025 vượt đỉnh 2024, sau đó hướng tới mục tiêu 1.345 – 1.358 điểm và 1.370 - 1.397 điểm trong kịch bản cơ sở.

Mức định giá được nâng lên nhờ vào sự cải thiện của cả kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và dòng tiền thị trường, trên nền mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp và dòng vốn ngoại quay trở lại trước viễn cảnh Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Trong kịch bản tích cực hơn, TTCK Việt Nam tiếp tục phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực. Chỉ số chính có thể đạt 1.408 - 1.435 điểm.

Kịch bản tiêu cực xảy ra khi có các sự kiện lớn bất thường trên thế giới diễn ra nhanh và tác động mạnh vào nỗ lực phục hồi kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, đồng USD duy trì sức mạnh khi đang ở trong một xu hướng tăng dài hạn, được hỗ trợ bởi nền kinh tế Mỹ mạnh lên. Mốc xác nhận rủi ro là khi VN-Index phá qua mốc 1.198 điểm. Khi đó, ABS khuyến nghị nhà đầu tư nên hạ các vị thế cổ phiếu đã mua ngắn hạn và trung hạn.

Tiếp theo là mốc đáy trung hạn 1.030 điểm được thiết lập tháng 11/2023. Khi VN-Index phá vỡ mốc này, nhà đầu tư cần chủ động thoát toàn bộ các vị thế đầu tư. Các giao dịch sau đó chỉ nên được xác định là các giao dịch mua bán nghịch pha của một thị trường đang điều chỉnh trung và dài hạn.

Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), TTCK Việt Nam đang giao dịch ở mức P/E theo sau khoảng 13,3 lần, khá hấp dẫn so với các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á và một số thị trường phát triển khác trên thế giới. Bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng và bất ổn kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP khả quan trong năm 2024.

Với triển vọng kinh tế vĩ mô thuận lợi, PHS dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng 18% vào năm 2025 sau khi tăng 16% vào năm 2024. Do đó, mức P/E dự phóng cho năm 2025 được dự phóng đạt khoảng 11,3 lần trong kịch bản cơ sở.

PHS cũng cho rằng câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ là điểm nhấn đáng chú ý cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025, cùng với triển vọng về kết quả kinh doanh khả quan. Theo dự báo của PHS, FTSE sẽ công bố kết quả nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ đánh giá tạm thời vào tháng 3 và dự kiến thời điểm nâng hạng chính thức sẽ là tháng 9.

Ngoài ra, hệ thống KRX được kỳ vọng có thể chính thức ra mắt vào nửa đầu năm 2025 để tăng tính ổn định cho thị trường chứng khoán và ra mắt các sản phẩm mới thu hút nhà đầu tư.

PHS nêu ba rủi ro chính của thị trường năm nay. Thứ nhất là căng thẳng địa chính trị leo tháng và áp lực tỷ giá khiến khối ngoại duy trì xu hướng rút ròng. Thứ hai là việc nâng hạng bị trì hoãn. Thứ ba là chính sách thương mại khó lường của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ba kịch bản cho VN-Index năm 2025 gồm: 1.330 điểm (tăng trưởng thu nhập 10%, GDP tăng 6%); 1.420 điểm (tăng trưởng thu nhập 18%; GDP tăng 7%); 1.540 điểm (tăng trưởng thu nhập 25%; GDP tăng 7,5%).

Những nhóm ngành tiềm năng cho danh mục 2025

Bàn về cơ hội đầu tư, MBS xác định 8 chủ đề hấp dẫn cho năm 2025, bao gồm: bất động sản khởi động chu kỳ phát triển mới; cơ hội từ tăng cường giải ngân đầu tư công; câu chuyện riêng ngành ngân hàng; hiệu ứng kích thích kinh tế từ Trung Quốc; thiếu hụt nguồn cung điện; nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump (Trump 2.0); sự xuất hiện các ngành công nghiệp mới; nâng hạng TTCK.

VDSC đề xuất danh mục đầu tư có sự kết hợp giữa cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để có thể tận dụng được cơ hội từ: nỗ lực cải cách môi trường chính sách của Chính phủ, mở ra cơ hội nâng hạng cho TTCK Việt Nam; đầu tư công tăng tốc trong khi đầu tư tư nhân phục hồi; tiêu dùng cải thiện khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi và tăng trưởng.

Nhóm phân tích của KBSV cho rằng bất kỳ nhịp điều chỉnh đáng kể nào cũng sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu cơ bản tốt ở vùng giá thấp. Các chủ đề đầu tư chính được KBSV lựa chọn cho năm 2025 bao gồm: nâng hạng thị trường, làn sóng đầu tư công nghệ, đầu tư công, thu hút vốn FDI, tăng trưởng xuất khẩu.

Từ góc độ triển vọng ngành, trong 2025, bộ phận phân tích doanh nghiệp đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bất động san khu công nghiệp, dầu khí, bán lẻ, cảng biển, hàng không, xây dựng, điện, công nghệ và dệt may.

Chia sẻ tại livestream chủ đề “Chiến lược cho nhà đầu tư chứng khoán năm 2025”, ông Nguyễn Vũ Thạnh, Giám đốc Tư vấn đầu tư TPS, khuyên nhà đầu tư nên “tùy cơ ứng biến” trước mỗi kịch bản (của TPS nêu trên), danh mục đầu tư dựa trên chiến lược thị trường. Trong kịch bản tích cực, thanh khoản tăng mạnh, dòng vốn ngoại trở lại…., cơ hội để tham gia trải nhiều các nhóm ngành, kể đến ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…

Trong kịch bản cơ sở, thanh khoản tăng trưởng 10% trong năm 2025, ông Thạnh cho rằng nhóm cổ phiếu tài chính vốn hóa lớn vẫn khó bứt phá. Do đó, nhà đầu tư cần tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu riêng lẻ, ví dụ như cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ từ xu hướng nhu cầu thế giới, sản xuất, khu công nghiệp với triển vọng FDI, bán lẻ khi kinh tế hồi phục, vật liệu xây dựng, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) từ hưởng lợi các chính sách của ông Trump...

Trong kịch bản tiêu cực, nhà đầu tư cá nhân nên giảm thiểu giao dịch, lựa chọn các nhóm ngành mang tính phòng thủ như dược phẩm, năng lượng.

Năm 2025, ABS chú trọng vào các ngành hưởng lợi từ 4 chủ đề.

Thứ nhất là chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ tăng trưởng: ngân hàng, bất động sản dân cư, xây dựng hạ tầng, thép, điện, bán lẻ…

Thứ hai là Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng hợp tác giữa các nhóm nước thân thiện (friend-shoring): bất động sản khu công nghiệp, xây dựng công nghiệp, cảng biển vận tải biển, dệt may, thủy sản, gỗ, đá ốp lát, công nghệ, hóa chất, dầu khí trung nguồn.

Thứ ba là cải cách thể chế và luật pháp hỗ trợ nền kinh tế: thực phẩm/chăn nuôi, dược và y tế, phân bón, dầu khí hạ nguồn. Cuối cùng là triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, với ngành chứng khoán.

Về phần PHS, bộ phận phân tích nêu danh mục đầu tư triển vọng cho năm 2025 tập trung vào các nhóm ngành ngân hàng, thực phẩm, bất động sản công nghiệp, dược phẩm, bán lẻ, thép, thủy sản, vận tải biển.