Theo khảo sát của UBS giai đoạn tháng 6 - 9/2024, khoảng 80% tỷ phú cho biết họ sẽ ưu tiên đầu tư vào Bắc Mỹ trong năm tới. Con số này tăng 30% so với năm 2023. Trong tầm nhìn 5 năm, 68% tỷ phú cũng đặt niềm tin vào khu vực này.
UBS nhận định, các tỷ phú lựa chọn Bắc Mỹ vì đây là khu vực dẫn đầu về đổi mới công nghệ, chẳng hạn như AI sinh tạo (generative AI). Những công nghệ này có tiềm năng lớn trong việc nâng cao năng suất lao động, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực.
Báo cáo của UBS dựa trên khảo sát trực tuyến với 82 tỷ phú trong năm 2024, cùng với nghiên cứu của PwC. Nghiên cứu này theo dõi tài sản của hơn 2.500 tỷ phú tại 47 thị trường trong 10 năm qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng kỷ lục đã đẩy tổng tài sản của các tỷ phú toàn cầu lên mức cao mới, đạt 14.000 tỷ USD.
Cơn sốt công nghệ, bắt đầu từ khi ChatGPT ra mắt cuối năm 2022, tiếp tục làm tăng giá trị tài sản của các tỷ phú tiên phong trong ứng dụng AI sinh tạo. Tài sản của nhóm tỷ phú công nghệ đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua, từ 789 tỷ USD năm 2015 lên 2.400 tỷ USD.
Khảo sát của UBS cho thấy, các tỷ phú ít lạc quan hơn về cơ hội đầu tư ngắn hạn tại châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ 25% tin rằng khu vực này (không bao gồm Trung Quốc) có cơ hội đầu tư lớn nhất trong năm tới, giảm nhiều so với năm 2023.
Chỉ 11% người cho rằng Trung Quốc có cơ hội đầu tư lớn nhất, con số này tương tự năm ngoái.
Tuy nhiên, về dài hạn, sự tự tin gia tăng. Trong 5 năm tới, 45% tin rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) sẽ có cơ hội lớn nhất. Trong khi đó, 31% kỳ vọng cơ hội nằm ở Trung Quốc.
Ở Tây Âu, 18% tỷ phú nhận thấy khu vực này có tiềm năng sinh lời lớn nhất trong năm 2025. Trong 5 năm, con số này tăng lên 29%.
UBS lưu ý rằng các tỷ phú thường lạc quan hơn về cơ hội đầu tư tại chính thị trường nội địa của họ.
Về danh mục tài sản, giới siêu giàu đang tăng đầu tư vào cổ phiếu tại các thị trường phát triển, bất động sản, vàng và kim loại quý.
Quan điểm về các loại tài sản đang thay đổi trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ và châu Âu có dấu hiệu giảm. Điều này có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần.
Trong 12 tháng tới, 43% tỷ phú dự định tăng đầu tư vào bất động sản, trong khi 42% sẽ tăng tỷ lệ cổ phiếu tại các thị trường phát triển.
Đồng thời, họ cũng đang hướng tới các tài sản được coi là “nơi trú ẩn an toàn” trước những biến động thị trường. Theo khảo sát của UBS, 40% tỷ phú có kế hoạch tăng đầu tư vào vàng và kim loại quý, và 31% dự định tăng lượng tiền mặt nắm giữ. Điều này phản ánh lo ngại về rủi ro địa chính trị gia tăng và định giá cao của thị trường cổ phiếu.
Với các tài sản thay thế, các tỷ phú vẫn tiếp tục đầu tư nhằm đa dạng hóa danh mục, nhưng xu hướng đang thay đổi. 38% tỷ phú muốn tăng đầu tư vào cổ phần tư nhân trực tiếp, trong khi chỉ 28% dự định tăng đầu tư vào các quỹ cổ phần tư nhân hoặc các quỹ liên quan, và 34% dự định giảm tỷ lệ nắm giữ. Bên cạnh đó, 26% có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng, và 35% hướng tới đầu tư vào nợ tư nhân.
Các quỹ phòng hộ (hedge funds) ít được ưu tiên hơn, với 27% tỷ phú dự định cắt giảm đầu tư, trong khi chỉ 23% muốn tăng cường.
Ngược lại, nghệ thuật và đồ cổ đang trở thành điểm sáng. Hơn 30% tỷ phú có kế hoạch tăng đầu tư vào lĩnh vực này, tăng mạnh so với mức 11% vào năm 2023.
Các tỷ phú lo ngại nhất về tác động của các xung đột địa chính trị lớn đối với danh mục đầu tư của họ.
Lạm phát cao vẫn là mối lo trong ngắn hạn. Trong dài hạn, những mối quan ngại khác được chú ý nhiều hơn, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, thuế tăng cao, khủng hoảng nợ tiềm ẩn, khủng hoảng thị trường tài chính và những gián đoạn do công nghệ mang lại.