Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam tại hội nghị triển khai mở rộng mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp (thuộc Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”) tại 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/1 tại thành phố Cần Thơ.
Theo đăng ký của các tỉnh, thành về diện tích chuẩn bị cho ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ Quỹ tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) đến năm 2025, các địa phương tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ triển khai mở rộng khoảng 28.000 ha diện tích canh tác lúa bền vững, giảm phát thải, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý việc mở rộng diện tích sản xuất lúa giảm phát thải phải đảm bảo hạ tầng tưới tiêu vì đến năm 2026 mới thực hiện hỗ trợ kinh phí để đầu tư hạ tầng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ngoài ra, để đáp ứng canh tác lúa đúng quy trình giảm phát thải đòi hỏi phải có lực lượng khuyến nông hướng dẫn thực hiện. Vì thế, để triển khai mở rộng quy trình canh tác lúa bền vững, giảm phát thải, đại diện ngành nông nghiệp các địa phương tham mưu với UBND tỉnh, thành để bố trí vốn địa phương thực hiện.
Thứ trưởng Trần Thành Nam chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp các đơn vị liên quan tập trung tập huấn nâng cao năng lực hợp tác xã, lực lượng khuyến nông về thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; chủ trì phối hợp các đơn vị xác định một số tiêu chí thực hiện thí điểm chi trả tín chỉ carbon.
"Trải qua các vụ lúa thí điểm cho thấy đã hình thành được nhận thức, tư duy, đồng tình của hệ thống chính trị, người dân đồng tình về sản xuất lúa giảm phát thải. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, còn nhiều thách thức. Do đó, phải cẩn trọng, không nôn nóng, không theo phong trào khi triển khai mở rộng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Các địa phương bám vào kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này chưa bán tín chỉ carbon", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Sau mô hình thí điểm canh tác lúa giảm phát thải đầu tiên được triển khai tại Hợp tác xã Thuận Tiến, huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ) vào tháng 4/2024, đến nay đã có 5 tỉnh, thành tham gia thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp (Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ) từ 2 - 3 vụ lúa (Hè Thu 2024, Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024 - 2025).
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành tham gia thí điểm đều nhìn nhận canh tác lúa giảm phát thải đều đạt kết quả tích cực: giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập, tăng năng suất, giảm phát thải... Từ những tín hiệu khả quan ở các vụ lúa thí điểm, các địa phương đều mong muốn mở rộng diện tích canh tác lúa giảm phát thải.
Đánh giá sơ bộ mô hình thí điểm trong năm 2024, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, vụ Hè Thu 2024, mô hình triển khai với diện tích triển khai là 47,2 ha, năng suất đạt 64 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình là 7 tạ/ha; giảm 2 -12 tấn CO2 tương đương/ha (tương đương 50-83%) so với canh tác truyền thống ngoài mô hình; trong đó, giảm nhiều nhất là do thu gom ra khỏi đồng và áp dụng tưới ngập khô xen kẽ (giảm 12 tấn CO2 tương đương/ha); tổng chi phí sản xuất lúa trong mô hình cao hơn so với chi phí ngoài mô hình là 5% nhưng lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình 20%.
Vụ Thu Đông 2024, mô hình triển khai với diện tích triển khai là 50 ha, năng suất đạt 63,7 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình là 1,5 tạ/ha; tổng chi phí sản xuất lúa diện tích áp dụng trong mô hình thấp hơn so với chi phí ngoài mô hình là 10,4%; lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình 23,2%.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quá trình thực hiện các mô hình Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp cũng gặp khó khăn.
Có vùng chưa chủ động được tưới tiêu, diện tích lúa tham gia mô hình nằm phân tán, nông dân tham gia Đề án còn tư duy trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, tuyên truyền về Đề án bị sai lệch mục đích, ý nghĩa nên thiếu tập trung vào trọng tâm giảm chi phí, giảm phát thải...
Trên cơ sở kết quả mô hình trình diễn ở vụ Hè Thu, Thu Đông năm 2024, các tỉnh, thành (Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang) dự kiến sẽ mở rộng mô hình vụ Đông Xuân 2024 - 2025 ra nhiều huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số lượng 53 mô hình, diện tích ước 3.653 ha được thực hiện từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Riêng ba tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu và Cà Mau chưa có kế hoạch triển khai Đề án.