Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 18/6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm 2024 đạt 7,09% và quý I đạt 6,93% là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và thế giới.
Tuy vậy, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Cụ thể, hiện có trên 2.200 dự án có vướng mắc với tổng số vốn hơn 230 tỷ USD. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án này.
Vì vậy, nhất trí với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vướng mắc, bất cập đối với các dự án trên nhằm sớm khơi thông nguồn lực rất lớn tại các dự án này cho phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt và cụ thể để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Kinh nghiệm vừa qua cho thấy Quốc hội đã ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra bản án tại TP HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa và giúp giải quyết các vướng mắc, khơi thông nguồn lực rất lớn, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
“Những cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành như thời gian qua cần tiếp tục được triển khai, mở rộng thực hiện để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn của các dự án, sớm đưa nguồn lực vào vận hành trong nền kinh tế của đất nước”, đại biểu nhìn nhận.
Cần có giải pháp tổng thể
Đồng tình với quan điểm này, chiều 17/6, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng cho rằng trong quý I, GDP tiếp tục tăng 6,93%, cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2020 – 2025. là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và là nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tuy vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Đó là tình trạng chênh lệch giàu nghèo chưa được cải thiện rõ rệt; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và hiện đại. Một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia vẫn chậm tiến độ do vướng mắc về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn…
Vì vậy, nếu tháo gỡ thành công hơn 2.200 dự án gặp vướng mắc, có thể khơi thông nguồn vốn lên tới hơn 230 tỷ USD – tương đương khoảng 50% GDP cả nước thì mục tiêu phát triển kinh tế GDP 8% trong năm nay sẽ đạt được và là tiền đề bức phá trong những năm tiếp theo.
"Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách đã thực hiện; tổng kết bài học kinh nghiệm; xem xét điều chỉnh, bổ sung để nhân rộng hiệu quả trên toàn quốc", đại biểu Thông đề nghị.
Còn theo ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), việc xử lý các dự án vướng mắc không nên chỉ dừng lại ở TP HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa như Nghị quyết 170 mà cần có giải pháp tổng thể đối với 2.200 dự án trên toàn quốc, tương đương hơn 230 tỷ USD.
Theo đó, Chính phủ cần sớm phân loại và báo cáo cấp có thẩn quyền. Quốc hội có cơ chế chung, đồng thời phân quyền cho phép các địa phương được chủ động cao nhất có thể để xử lý các dự án vướng mắc tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Việc xử lý đưa các dự án vào triển khai cần gắn với nguyên tắc nếu có lợi cho địa phương, người dân và doanh nghiệp thì kiên quyết ủng hộ triển khai.