Trước kia, anh Ruben Diaz thường chở hai container hàng mỗi ngày bằng chiếc xe tải đi thuê, di chuyển qua lại giữa các cảng biển và kho hàng rộng lớn ở khu vực phía nam bang California.
Hiện tại, sau khi lượng hàng nhập khẩu vào cảng Los Angeles và Long Beach giảm mạnh, người đàn ông 38 tuổi phải chật vật lắm mới có hai chuyến hàng mỗi tuần và lẽ dĩ nhiên anh được trả ít tiền hơn.
Vào một buổi chiều muộn, anh đổ xăng tại Sunshine Truck Stop sau khi trả một container rỗng về cảng. Diaz tính toán mình sẽ còn lại khoảng 50 USD sau khi trừ chi phí thuê xe, bảo hiểm và xăng.
Anh cũng đang cân nhắc có nên từ bỏ nghề lái xe tự do hay không. “Tôi đang cố trụ lại. Nhưng tôi sẽ không thành công”, Diaz chia sẻ với Wall Street Journal.
Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là mức thuế cao ngất với Trung Quốc, đã làm tê liệt dòng chảy hàng hoá vào khu vực nam California và bóp nghẹt nền kinh tế phụ thuộc vào cảng biển này. Cuối tuần trước, ông Trump vừa mới đe doạ áp thuế 50% với hàng hoá từ Liên minh châu Âu.
Thương mại và logistics là hai trong những động lực kinh tế quan trọng nhất ở nam California. Chúng trực tiếp tạo việc làm cho khoảng 900.000 lao động và tạo ra gần 500 tỷ USD sản lượng kinh tế cho khu vực, theo Tổ chức Phát triển Kinh tế Quận Los Angeles.
Los Angeles và Long Beach tạo thành khu phức hợp cảng biển khổng lồ, là cửa ngõ container nhộn nhịp nhất nước Mỹ và xử lý hơn một phần ba lượng container nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong đó, hơn một nửa lượng container là từ Trung Quốc. Năm ngoái, ước tính khoảng 130 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc đã được nhập khẩu vào Mỹ thông qua cảng Los Angeles và Long Beach.
Tháng trước, nhiều công ty vận tải đã phải huỷ hàng chục chuyến tàu container từ Trung Quốc đến Mỹ trong bối cảnh các nhà bán lẻ - do lo sợ thuế quan - đã tạm dừng hoặc huỷ đơn hàng đồ nội thất, quần áo, nguyên liệu thô và phụ tùng ô tô.
Theo quan chức làm việc tại các cảng và giám đốc doanh nghiệp vận tải, lượng tàu container đến hai cảng Los Angeles và Long Beach đã lao dốc 17% trong nửa đầu tháng 5. Họ lưu ý lượng tàu cập cảng chở ít hàng hoá hơn bình thường.
Lượng container nhập cảng thấp hơn đồng nghĩa rằng giờ làm của công nhân bốc xếp và nhân viên kho bãi sẽ giảm đi. Số chuyến hàng cho các tài xế xe tải như anh Diaz cũng theo đó đi xuống.
Chưa kể, công việc kinh doanh của các nhà hàng, đại lý xe tải và cửa hàng sửa chữa địa phương cũng sẽ thu hẹp. Một số chủ nhà hàng và quản lý công ty cho biết họ đang cắt giảm giờ làm và lượng nhân viên.
“Khi cảng Los Angeles bận rộn, chúng tôi cũng bận rộn. Khi cảng chững lại, công việc kinh doanh của chúng tôi cũng vậy”, ông John Bagakis, đối tác quản lý tại Big Nick’s Pizza, cho hay. Ông tiết lộ doanh số đã giảm khoảng 15%.
Theo chia sẻ của các quan chức cảng Los Angeles với Wall Street Journal, mỗi 4 container cập cảng sẽ hỗ trợ một việc làm trên toàn quốc.
Liên đoàn Công nhân Bốc xếp và Kho bãi Quốc tế (ILWU), tổ chức đại diện cho công nhân bốc xếp ở Bờ Tây, cho biết do lượng hàng nhập khẩu đi xuống, công nhân bốc xếp toàn thời gian đang làm việc 3 hoặc 4 ngày một tuần, thay vì 5 hoặc 6 ngày trong giai đoạn bình thường.
“Đối với những công nhân bán thời gian của chúng tôi, họ hoàn toàn không có cơ hội làm việc”, ông Gary Herrera, Chủ tịch ILWU tại khu vực phía nam California, nhấn mạnh.
Trước kia, các bến cảng thường chất đầy container xếp chồng lên nhau. Vào một ngày gần đây, cây bút của Wall Street Journal chỉ nhìn thấy những bến cảng rộng lớn và trống rỗng.
Và, không lâu ngay trước giai đoạn tồi tệ hiện nay, hai cảng Los Angeles và Long Beach đã xử lý lượng hàng nhập khẩu gần mức cao kỷ lục trong bối cảnh nỗi lo thuế quan thúc đẩy các nhà bán lẻ và nhà sản xuất gom hàng sớm.
Bây giờ, một số áo phông từ Việt Nam, lọ sốt cà chua từ Italy và nước suối từ Trung Quốc đang nằm im trong ba nhà kho rộng gần 19.000 m2 cách khu phức hợp cảng vài km về phía bắc, trong lúc chờ vận chuyển đến nơi khác.
Những nhà kho dài và hẹp do Waterfront Logistics sở hữu được thiết kế để giúp chuyển hàng hoá ra khỏi các container và đưa vào xe đầu kéo để vận chuyển đến các nhà kho trên khắp nước Mỹ.
Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ và các công ty sản xuất đang sử dụng ba nhà kho này để trữ hàng hoá kéo dài vì các cơ sở của họ đã chất đầy hàng hoá dư thừa.
Tình hình hiện nay càng làm trầm trọng thêm vấn đề việc làm. “Khi hàng hoá đứng im, chúng tôi không cần nhiều công nhân như các tài xế xe nâng, nhân viên kho bãi, tài xế xe tải”, ông Weston LaBar, Giám đốc cấp cao của Waterfront, cho hay.
Các chủ doanh nghiệp địa phương cũng chia sẻ rằng khi công nhân ngành logistics cắt giảm chi tiêu, họ cũng phải rút ngắn giờ làm và thu hẹp quy mô nhân viên.
Ông Vincent Passanisi, chủ công ty Santa Fe Importers chuyên cung cấp thịt và pho mát Ý cho hơn 1.000 cửa hàng và nhà hàng địa phương, cho biết doanh thu đơn vị này đã giảm từ 15% đến 20% khi công nhân logistics và những ngành khác cắt giảm chi tiêu vì thuế quan.
Vị doanh nhân cảnh báo lời đe doạ áp thuế EU của ông Trump “sẽ phá huỷ công việc kinh doanh còn lại của Santa Fe Importers. Sẽ không ai mua bánh quy, bánh mì que hoặc nước sốt của Italy với mức giá cao như vậy trong khi họ có những lựa chọn thay thế khác”.
Gần đây, ông Passanisi đã giảm 20% giờ làm của 50 công nhân công ty mình. Ông cũng bắt đầu cho nhân viên làm việc tại quầy bán đồ ăn nhẹ của Santa Fe Importers về nhà sớm vì số lượng công nhân bốc xếp, tài xế xe tải và nhân viên cảng đến mua sandwich và pasta tụt dốc.
Hoạt động thương mại tại nam California còn tạo ra một khu phức hợp kho bãi rộng lớn ở Inland Empire, cách Los Angeles khoảng 65 km về phía đông. Năm 2022, khu vực này đã tuyển dụng 138.480 lao động kho bãi và phân phối hàng hoá, tăng so với con số 7.340 công nhân vào 20 năm trước.
Diaz cho biết vợ anh đang làm việc tại một trong những nhà kho cho một nhà bán lẻ giày lớn, nơi cô kiếm được 18 USD mỗi giờ. Giờ đây, vợ Diaz lo sợ sẽ bị sa thải khi công việc chững lại.
Một số quan chức trong ngành cho biết căng thẳng có thể giảm bớt vì lượng hàng Trung Quốc đến Mỹ dự kiến sẽ tăng lên sau khi Washington và Bắc Kinh đạt thoả thuận đình chiến thương mại vào đầu tháng 5.
Tuy nhiên, ông Gene Seroka, Giám đốc điều hành cảng Los Angeles, không kỳ vọng tình hình sẽ phục hồi hoàn toàn. Mức thuế 30% mà Mỹ áp dụng với hàng hoá Trung Quốc vẫn còn quá cao và triển vọng thương mại vẫn rất khó đoán.
Người đứng đầu Tổ chức Phát triển Kinh tế Quận Los Angeles, ông Stephen Cheung, lưu ý một trong những nỗi sợ lớn nhất của bản thân là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Do cảng Los Angeles và Long Beach xử lý khoảng 35% lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường biển vào Mỹ và đối tác thương mại số một của chúng tôi là Trung Quốc, chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác. Đó là lý do tôi mất ngủ đêm nay”, ông nói.