Nguồn: SSI

Nhìn lại nửa đầu năm 2025: Sự lạc quan thận trọng với trí tuệ nhân tạo (AI)

Trong nửa đầu năm 2025, tâm lý của các nhà đầu tư trên thế giới đối với trí tuệ nhân tạo (AI) đã hạ nhiệt, dẫn đến sự điều chỉnh nhẹ về định giá trong toàn ngành công nghệ. Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) trung bình của ngành công nghệ thế giới đã giảm về khoảng 23x, từ mức 24–25x vào cuối năm 2024, dựa trên dữ liệu từ nhóm công ty cùng ngành mà chúng tôi lựa chọn, đặc biệt là tại Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Việc giảm định giá này phản ánh triển vọng thận trọng hơn về tiềm năng AI trong ngắn hạn.

Bất chấp bối cảnh này, công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam – FPT – vẫn đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng, cao hơn các công ty cùng ngành với mức tăng trưởng doanh thu đạt 13% svck và lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 18% trong năm tháng đầu năm 2025.

Đáng chú ý, vào tháng 6/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15, phê duyệt việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam. Có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, việc tái cấu trúc này sẽ áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, chuyển đổi từ mô hình ba cấp hiện tại. Động thái này được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hành chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Theo đó, các tập đoàn công nghệ và viễn thông hàng đầu – bao gồm Viettel, MobiFone, FPT và VNPT – đã và đang tích cực hợp tác với Cơ quan Chính phủ để triển khai hạ tầng số cần thiết cho quá trình chuyển đổi này.

Triển vọng nửa cuối năm 2025: AI và chuyển đổi số - Hai trụ cột định hình bức tranh ngành công nghệ Việt Nam

Trong thời gian tới, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược công nghệ của Việt Nam. Theo Gartner, chi tiêu toàn cầu cho AI tạo sinh (Gen AI) dự báo sẽ tăng 76% svck trong năm 2025, sau khi đã tăng hơn 4 lần vào năm 2024. NVIDIA cũng cho rằng Agentic AI có thể là bước phát triển tiếp theo trong lĩnh vực AI.

Tuy nhiên, triển vọng chi tiêu CNTT nước ngoài dự kiến vẫn chịu áp lực trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài. Đối với Việt Nam, AI vẫn là yếu tố chiến lược quan trọng để phát triển. Việc Qualcomm ra mắt trung tâm nghiên cứu và phát triển AI thứ ba tại Việt Nam đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong hệ sinh thái AI toàn cầu. Ngoài ra, AI đã được công nhận chính thức là một trong những nhóm công nghệ chiến lược của quốc gia. Với định hướng này, liên minh AI Âu Lạc (quy tụ 21 thành viên đầu tiên tham gia) đã được thành lập vào tháng 6/2025.

Với triển vọng này, đầu tư vào trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn ngày càng trở nên quan trọng. Viettel hiện đang đi đầu trong lĩnh vực này, với vị thế là người tiên phong làm trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn. Cùng với đó, việc phê duyệt các bộ luật liên quan đến dữ liệu và công nghệ số gần đây đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình chuyển đổi số và đổi mới công nghệ của Việt Nam. Dựa trên các luật này, dữ liệu được công nhận là yếu tố cốt lõi của kỷ nguyên số, trong đó việc đảm bảo an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu. Điều này phù hợp với định hướng của Chính phủ về Dự án Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ về đi thuê trung tâm dữ liệu.

Thách thức phía trước

Dù có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, việc mở rộng quy mô AI và hạ tầng trung tâm dữ liệu vẫn đối mặt với một số thách thức mang tính cấu trúc, bao gồm thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, áp lực về điện, và cần có khung pháp lý toàn diện hơn liên quan đến AI.

Luận điểm đầu tư

  • Cổ phiếu ưa thích: FPT - có nền tảng tài chính vững mạnh và là doanh nghiệp dẫn đầu trong chuyển đổi số
  • Cổ phiếu theo dõi: CTR (CTCP Công trình Viettel), CMG (CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC) - Có vị thế hưởng lợi từ nhu cầu hạ tầng và an ninh mạng.