Là "ngôi sao đang lên" của châu Á, Việt Nam đã đạt được những thành tích kinh tế đáng khâm phục trong những thập kỷ sau đổi mới. Nhưng trong những năm gần đây các động lực tăng trưởng dần suy giảm, trong khi các thách thức bên ngoài cũng như nội tại đang gia tăng nhanh chóng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường, Tư vấn quốc tế, Vụ Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc cho rằng, Việt Nam đang dần phải đối diện với những thách thức nghiêm trọng mới. Ở bên ngoài, cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng, bất ổn địa chính trị diễn biến cực kỳ phức tạp, đang đẩy nhiều nước và khu vực vào các xung đột. Thiên tai dịch bệnh trở nên khắc nghiệt hơn và ngày càng khó đoán định.
Những thách thức bên trong cũng ngày càng gia tăng và dần làm xói mòn các nội lực tăng trưởng. Dù tốc độ tăng trưởng cao song năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nền kinh tế châu Á tương tự.
Bên cạnh đó, hàng loạt hạn chế của nền kinh tế vẫn còn tồn tại. Thị trường vốn chưa phát triển khiến tỷ lệ tín dụng ngân hàng trên GDP vượt 130%, gây rủi ro lớn về kỳ hạn. Việt Nam vẫn bị kẹt trong cái gọi là “bẫy lắp ráp” chế biến chế tạo. Đô thị hóa nhanh chóng, với tỷ lệ dân số đô thị đạt khoảng 40% và tốc độ tăng trưởng khoảng 3% mỗi năm, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng và môi trường sống.
Thị trường lao động vẫn thiếu hụt lao động tay nghề cao, choo dù tỷ lệ thất nghiệp chung là thấp 2,7%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (18 - 24) tuổi ở mức cao 7,4% năm 2023. Khu vực kinh tế tư nhân còn chưa phát triển như tiềm năng và mục tiêu.
"Theo kinh nghiệm quốc tế, tính kém hiệu quả của thể chế kinh tế là điểm nghẽn chính của Việt Nam trong giai đoạn tăng trưởng mới. Càng nhiều điểm yếu từ thể chế càng làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy Việt Nam dần rơi vào bẫy thu nhập trung bình", ông đánh giá.
Vì vậy, chuyên gia khuyến nghị chỉ chó cải cách thể chế, trong đó có sắp xếp tinh giảm bộ máy nhà nước, đơn giản hóa và cải thiện chất lượng môi trường pháp lý, phát triển lĩnh vực tư nhân, và cải tổ doanh nghiệp nhà nước là những yếu tố có tính sống còn để mở ra một kỷ nguyên mới cho kinh tế Việt Nam.
Từ góc độ trong nước, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhìn nhận rằng, yếu tố quan trọng khiến chúng ta chưa thể có đột phá trong những năm qua chính là thể chế và nó đã trở thành “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ.
Bày tỏ sự đồng tình rất cao với quan điểm phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm đã được Tổng Bí thư nêu trong bài phát biểu gần đây, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích bước đột phá về tư duy, về xây dựng thể chế này khi được thực hiện thành công sẽ tạo động lực mạnh mẽ, mở ra không gian phát triển vô cùng lớn cho nền kinh tế, góp phần huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế.
Với quyết tâm và yêu cầu phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay, có thể nói: "Chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội, có một không gian cải cách thuận lợi như bây giờ. Trong đó, vai trò của Đảng, Chính phủ là cần tiên phong đưa tư duy đột phá trong xây dựng pháp luật, cải cách thể chế vào thực tế", TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Việt Nam từng rất thành công trong cải cách
Cải cách thể chế kinh tế luôn là vấn đề cốt lõi có tính sống còn cho phát triển kinh tế. Cuốn sách nổi tiếng được giải Nobel kinh tế năm 2024 “Vì sao các quốc gia thất bại” của Dron Acemogly và James A. Robinson, đã nhấn mạnh sự khác biệt quan trọng giữa các quốc gia thành công và thất bại trong phát triển nằm ở thể chế, chứ không phải là mô hình kinh tế.
"Điều này rất đúng với Việt Nam", TS. Nguyễn Minh Cường đánh giá và cho biết, trong những năm 1976 - 1980, nền kinh tế trên bờ vực suy thoái nghiêm trọng với lạm phát trên 400%. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như lệnh cấm vận kinh tế, Đại Hội VI đã chỉ ra một trong các nguyên nhân chủ quan chính là việc chậm đổi mới cơ chế quản lý không phù hợp đã đẩy nền kinh tế vào bờ vực suy thoái trầm trọng.
Từ quyết định chính trị này, Việt Nam đã cải cách thể chế quyết liệt bằng cách xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thiết lập các cơ chế thị trường hỗ trợ phát triển thị trường tiền tệ, hàng hóa, lao động và đất đai.
Hiến pháp sửa đổi 1992 đã mạnh dạn tạo điều kiện cho sự thay đổi căn bản từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế hàng hóa và đầu tư nước ngoài, mở đường cho nhiều đạo luật quan trọng như Luật đất đai, Luật thuế, Luật phá sản, Luật lao động, Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật đầu tư nước ngoài.
"Gần 6.000 trong số 12.000 doanh nghiệp nhà nước bị giải thể để nâng cao hiệu quả và chống lãng phí. Những cải cách mạnh mẽ và quyết liệt này trong thập niên 1990 đã tạo đà cho tăng trưởng của Việt Nam trong hai thập kỷ tiếp theo", ông nhấn mạnh.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách quan trọng để đối phó với các thách thức, nhưng kết quả vẫn rất khiêm tốn. Điểm nghẽn chính là hệ thống thể chế phức tạp, thủ tục hành chính quan liêu, hàng rào pháp lý chồng chéo, và năng lực hạn chế của cả cá nhân và tổ chức.
Những vướng mắc thể chế này phát triển theo thời gian, trở thành vật cản nghiêm trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, và đang đẩy Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nêu ví dụ về tác động tiêu cực của cơ chế quản lý kém hiệu quả, ông Cường cho biết trong 10 năm qua, Việt Nam chưa có nhiều công trình cơ sở hạ tầng lớn tầm cỡ quốc gia để hỗ trợ cho cho sự bứt phá của kinh tế, một phần do thủ tục phê duyệt và thực hiện dự án công quá phức tạp.
"Mặc dù có kinh phí đầu tư công lớn, nhưng các dự án cơ sở hạ tầng phần lớn vẫn manh mún, dàn trải và gặp phải các vấn đề như chậm tiến độ, đội vốn và chất lượng kém", ông nói.
Sự kém hiệu quả của thể chế kinh tế cũng nhanh chóng làm suy giảm sự hấp dẫn và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu vượt trội về tăng trưởng kinh tế trong những năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, các nước như Indonesia, Philippines, Malaysia, và Thái Lan đang dần lấy lại vị thế trong việc thu hút đầu tư chất lượng cao.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng nhắc tới rất nhiều cơ hội mà chúng ta đã bỏ lỡ như: Dự án mở rộng đầu tư 3,5 tỷ USD của Intel, LG muốn đầu tư vào sản xuất pin, các dự án điện gió,...
"Với các yếu tố thành phần trong GDP như hiện nay, dù ở mức lạc quan nhất cũng không thể tăng trưởng 8 – 10%. Song, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, khi lãnh đạo đất nước đã chỉ rõ được vấn đề thể chế là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn' và quyết tâm cải cách", TS, Thọ nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đình Thọ Việt Nam phải kịp thời cải cách, đổi mới để nắm bắt được cơ hội, từ đó mới có thể tăng tốc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tạo đột phá, cần cải cách triệt để
Bổ sung thêm các giải pháp để đột phá thành công, đưa đất nước tăng trưởng ở mức kỳ vọng, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng cần phân cấp, phân quyền triệt để hơn cho địa phương, để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Việc phân cấp, phân quyền này đi cùng với việc mở không gian của pháp luật ở Trung ương sẽ phát huy được tính năng động, sáng tạo của địa phương, các địa phương sẽ cạnh tranh nhau trong phát triển.
Bên cạnh đó, cần thay đổi cách đánh giá theo kết quả thay vì theo quy trình, mở ra không gian và cả áp lực để địa phương nỗ lực đạt những mục tiêu đề ra. Với cách làm như vậy, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng hai con số của 63 tỉnh, thành phố có thể đạt được và từ đó đưa cả nước đạt mức tăng trưởng hai con số.
Còn theo TS. Nguyễn Minh Cường, có 5 điểm trọng tâm mà Việt Nam cần thực hiện cải cách để tạo đột phá. Thứ nhất là các vấn đề kinh tế - xã hội mà Việt Nam và nhiều quốc gia khác đang đối mặt ngày càng trở nên phức tạp và đa chiều. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của chính phủ lại thường được phân chia một cách hạn hẹp theo ngành.
Đồng thời, còn xuất hiện tình trạng “giấy phép con” tràn lan và các “hành lang pháp lý” nhiều đến mức tạo thành “ma trận pháp lý”, gây ra tình trạng cửa quyền và tham nhũng.
Do đó, việc tái cấu trúc các bộ/ngành theo hướng kiến tạo, giảm bớt chức năng kiểm soát, là hướng cải cách thể chế mà các nền kinh tế thành công thực hiện. Đồng thời, sắp xếp bộ máy nhà nước, việc tinh giản và nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật cũng rất quan trọng trong cải cách thể chế.
Ông cũng nêu vấn đề về việc cần cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước. Mối quan hệ mật thiết giữa tập đoàn nhà nước và bộ chuyên ngành có thể dẫn đến xung đột lợi ích và tham nhũng, ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiệu quả. Vì vậy, nếu không giải quyết thỏa đáng được mối liên hệ giữa bộ chuyên ngành với các tập đoàn nhà nước thì việc cải cách thể chế sẽ không triệt để, và thậm chí đây sẽ vẫn lại là điểm nghẽn lớn với tăng trưởng kinh tế.
Về lâu dài, vẫn phải thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để đưa dần các doanh nghiệp này hoạt động theo hướng thị trường, tách dần khỏi sự quản lý của nhà nước.
Cuối cùng là việc phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore cải tổ thể chế cũng là nhằm để loại bỏ bớt các rào cản hành chính, tăng tính công khai minh bạch để từ đó tạo không gian cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, ông nêu dẫn chứng.