Cách Thượng Hải hai giờ lái xe về phía tây, bà Sunny Hu đã dành gần hai tháng kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để hỗ trợ đưa các lô hàng đồ ngoại thất của Hangzhou Skytech Outdoor nhanh đến tay những khách hàng Mỹ. Bà còn chạy đua để tìm kiếm thị trường mới cho công ty mình.

Giữa lúc đó, tại vùng Riesling của Đức, nhà sản xuất rượu vang lâu năm Matthias Arnold đã nhận được lượng lớn đơn hàng đặc biệt từ các đối tác Mỹ kể từ sau chiến thắng của ông Donald Trump.

Matthias Arnold đang gấp rút hoàn thành càng nhiều đơn hàng càng tốt trước khi vị tổng thống đắc cử có thể tái áp đặt thuế quan lên rượu vang châu Âu. Ông Trump áp thuế mặt hàng này vào năm 2019 và chính quyền người kế nhiệm Joe Biden đã đình chỉ quyết định đó.

Khắp mọi ngóc ngách trên thế giới, các doanh nghiệp không hề đợi cho đến ngày ông Trump nhậm chức để biết chính quyền sắp tới sẽ nhắm đến quốc gia, sản phẩm hoặc áp đặt mức thuế quan nào.

Chỉ riêng lời đe doạ đánh thuế phổ quát của ông Trump đã khiến nhiều người chật vật tìm cách xoay xở. Và điều đó dễ khiến hệ thống thương mại toàn cầu bị tắc nghẽn hoặc gián đoạn nếu xảy ra cú sốc kinh tế. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.

Tại JLab có trụ sở tại California, CEO Win Cramer cho biết sản phẩm của công ty này từng bị áp thuế quan vào năm 2019 khi các yêu cầu miễn trừ của họ bị chính quyền ông Trump từ chối.

Khó khăn thúc đẩy ông Cramer chuyển 90% dây chuyền sản xuất theo hợp đồng từ Trung Quốc sang Việt Nam, Malaysia và các quốc gia khác. Giờ đây, JLab có thể sẽ tăng giá bán tai nghe và các sản phẩm không dây của công ty nếu ông Trump ban hành thuế quan phổ quát.

Trao đổi với Bloomberg, ông Robert Krieger, Giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn logistics Krieger Worldwide, cảnh báo: “Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn hoảng loạn. Chuỗi cung ứng sắp đón một đợt thuỷ triều lớn”.

Chạy đua với thời gian

Để đề phòng bất trắc, một số doanh nghiệp đang đặt hàng trước. Những công ty khác cố tìm kiếm nhà cung ứng mới hoặc nếu không thể thì họ sẽ đàm phán lại điều khoản với các nhà cung cấp hiện tại.

Thực trạng phổ biến trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay là căng thẳng đi kèm với chi phí cao hơn, có thể do hàng tồn kho phình to, chi phí vận chuyển đắt đỏ hoặc rủi ro từ những đối tác chưa qua kiểm chứng.

Các doanh nghiệp cảnh báo lợi nhuận của họ sẽ chịu ảnh hưởng và chi tiêu cho những khoản mục khác sẽ phải thu hẹp. Và cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu phần chi phí tăng thêm.

Vấn đề là, dù các công ty đã cố gắng đi trước một bước, không có gì đảm bảo rằng chiến lược đó sẽ giúp họ vượt qua khó khăn lần này, bất chấp thực tế là cách làm này từng giúp ích trong cuộc chiến thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 11, ông Trump đe doạ sẽ đánh thuế bổ sung 10% lên hàng hoá Trung Quốc và áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada. Lời đe doạ cho thấy cả đồng minh và đối thủ của Mỹ đều nằm trong tầm ngắm của nhà lãnh đạo 78 tuổi.

Zipfox, một nền tảng trực tuyến giúp kết nối doanh nghiệp Mỹ với các nhà máy ở Mexico, cho biết số yêu cầu báo giá đã tăng 30% kể từ trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra. CEO Raine Madhi lưu ý số yêu cầu nhảy vọt lần nữa sau khi ông Trump doạ áp thuế quan 100% đối với khối BRICS.

Khó khăn thể hiện vào dữ liệu

Nỗ lực xoay xở của các doanh nghiệp đã bắt đầu được thể hiện trong những dữ liệu tần suất cao và các ngân hàng trung ương đang theo dõi chặt chẽ tình hình do mối đe doạ mà thuế quan gây ra cho cuộc chiến chống lạm phát.

Theo Bloomberg, lưu lượng container đi qua các cảng Trung Quốc đã tăng trưởng hai chữ số trong hai tuần sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ và tiếp tục vọt lên gần 30% vào tuần thứ hai của tháng 12.

Các chuyến bay chở hàng quốc tế tăng ít nhất 30% mỗi tuần kể từ giữa tháng 10 và giới chuyên gia kinh tế dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục khi khách hàng đổ xô đặt trước đơn hàng.

Bên kia Thái Bình Dương, cửa ngõ container bận rộn nhất nước Mỹ (bao gồm hai cảng Los Angeles và Long Beach) đang chứng kiến sự gia tăng đột biến các lô hàng nhập khẩu.

Cả hai cảng đều phá vỡ kỷ lục thời COVID trong quý III năm nay và khối lượng hàng nhập khẩu cập bến dự kiến sẽ còn tăng cao cho đến mùa xuân năm sau, theo chia sẻ vào đầu tháng 12 của CEO cảng Long Beach là ông Mario Cordero.

Ở diễn biến khác, kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã nghe thấy nhiều lo ngại hơn về thuế quan. Từ “thuế quan” xuất hiện 11 lần - nhiều nhất kể từ năm 2020 - trong báo cáo Beige Book mới nhất.

Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp từ các buổi công bố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 cũng chỉ ra thông tin tương tự. Số lần đề cập đến từ khoá “thuế quan” của các lãnh đạo doanh nghiệp đã tăng vọt vào tháng 12 lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2019.

Hộp thư của bà Lynlee Brown - đối tác thương mại toàn cầu của gã khổng lồ EY - cũng có thể là một chỉ báo. Vào sáng sớm ngay sau cuộc bầu cử, bà đã nhận được hơn 400 email yêu cầu tư vấn.

Email được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới, từ các công ty Mỹ nhập khẩu nguyên liệu thô cho đến doanh nghiệp may mặc Australia. “Có rất nhiều câu hỏi từ các công ty”, bà Brown nhấn mạnh.

Trên thực tế, thuế quan không phải là yếu tố duy nhất khiến doanh nghiệp phải gấp rút hành động. Sự vội vã này cũng thường thấy trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc và trước khi các cảng biển Mỹ xảy ra đình công vào đầu năm.

Trong một bối cảnh phức tạp như vậy, sẽ không mất nhiều thời gian để áp lực trong hệ thống thương mại toàn cầu gia tăng, chuyên gia kinh tế Robert Sockin của Citigroup lưu ý.

“Cước vận tải có thể chịu thêm áp lực nếu xu hướng mua hàng sớm tăng tốc đáng kể. Nếu hoạt động này diễn ra trên phạm vi đặc biệt rộng, nó có thể gây ra một số nút thắt tại các cảng biển Mỹ, làm trầm trọng thêm áp lực lên chuỗi cung ứng”, ông nói.