Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 7/1, chỉ số S&P 500 đã giảm 1,11% và đóng cửa với 5.909 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 178 điểm, tương đương 0,42% và đóng cửa với 42.528 điểm.

Tương tự, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite trượt 1,89% xuống 19.490 điểm. Vào đầu phiên, các chỉ số trung bình chính từng đạt kết quả tích cực nhưng sau đó đảo chiều.

Dữ liệu do Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) công bố hôm 7/1 cho thấy lĩnh vực dịch vụ đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong tháng 12. Kết quả này làm gia tăng lo ngại về lạm phát.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vọt lên 4,699%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2023. Sau đó, lợi suất điều chỉnh xuống còn khoảng 4,693%. Ngoài báo cáo của ISM, thị trường cũng đang lo ngại rằng kế hoạch thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy lạm phát.

“Nhà đầu tư đang điều chỉnh lại kỳ vọng lạm phát và lãi suất. Diễn biến này đã khởi động cho một đợt bán tháo nhỏ trên thị trường chứng khoán”, ông Tom Hainlin, chiến lược gia đầu tư cấp cao của U.S. Bank Asset Management Group, nhận định.

Tuy nhiên, ông Hainlin lưu ý số liệu ISM phản ánh thị trường lao động và người tiêu dùng mạnh mẽ. Do đó, nếu nhìn từ bức tranh tổng thể về tăng trưởng kinh tế, kết quả này có lợi cho tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngoài những lo ngại về lạm phát, nhà đầu tư cũng đã chốt lời từ một số công ty công nghệ và bán dẫn vốn hóa lớn, góp phần vào đợt giảm của thị trường trong phiên 7/1.

Cụ thể, cổ phiếu Nvidia mất 6,2% một ngày sau khi lập kỷ lục mới. Cuối ngày 6/1, công ty đã công bố hàng loạt sản phẩm bộ xử lý đồ họa (GPU) thế hệ mới sử dụng cho máy tính để bàn và máy tính xách tay, dựa trên kiến trúc Blackwell.

Tương tự, cổ phiếu Tesla giảm 4% sau bị Bank of America hạ xếp hạng do định giá cao và rủi ro liên quan đến chiến lược. Ngoài ra, cổ phiếu của Meta Platforms mất gần 2%, trong khi Apple và Microsoft giảm hơn 1%.