Vinaconex (Mã: VCG) báo cáo đã bán 12,1 triệu cp CTCP Vimeco (Mã: VMC) (46% vốn) như đăng ký trước đó. Theo đó, Vinaconex hạ sở hữu về 1,3 triệu cp, tương ứng với 5% vốn, và vẫn là cổ đông lớn.

Giao dịch được thực hiện ngày 23/12. Giá trị thỏa thuận đạt hơn 139 tỷ đồng (bình quân 11.500 đồng/cp).

Bên mua gồm ông Phan Trần Hiếu (mua 5,6 triệu cp) và và Trần Kim Ngọc (mua 6,5 triệu cp). Sau giao dịch, hai cá nhân này trở thành cổ đông lớn với sở hữu lần lượt 5,7 triệu cp (21,9% vốn) và 6,5 triệu cp (24,87% vốn).

Cổ phiếu VMC từng dậy sóng ngay trước giao dịch thoái vốn của Vinaconex. Cụ thể, từ đầu tháng 12 đến 20/12, thị giá đã tăng 78%, đi cùng với thanh khoản lên cao (khối lượng khớp lệnh bình quân phiên gần 73.000 cp, gấp 6 lần mức bình quân phiên qua năm).

Tuy nhiên, kể từ 23/12, mã này quay đầu lao dốc. Cụ thể, VMC giảm 22% chỉ trong 4 phiên 23 - 27/12. Khối lượng khớp lệnh bình quân phiên gấp đôi so với giai đoạn trước đó (1 - 20/12), đạt 139.000 đơn vị.

Vimeco được thành lập vào năm 1997, chuyển thành công ty cổ phần năm 2002. Sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ nâng từ 10 tỷ đồng lên thành 261 tỷ đồng. Doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX vào năm 2006.

Vimeco hoạt động trong ba lĩnh vực chính gồm xây lắp, vật liệu xây dựng; bất động sản; dịch vụ và đầu tư tài chính. Công ty từng thực hiện các dự án đáng chú ý như Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên, Cái Mép - Vũng Tàu…

Từ 2012 đến nay, Vimeco luôn đem về hàng trăm đến ngàn nghìn tỷ đồng doanh thu, song lợi nhuận chỉ một lần vượt mức 100 tỷ đồng - rơi vào 2017 với 231 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cũng là năm có doanh thu kỷ lục trên 2.200 tỷ đồng.

Trong 5 năm gần nhất (2019-2023), lợi nhuận duy trì dưới 10 tỷ đồng. Năm 2024, Vimeco đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.211 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11,5 tỷ đồng. Sau 9 tháng, công ty đã thực hiện 62% kế hoạch doanh thu và 56% chỉ tiêu lợi nhuận.