Hôm 29/12, 179 người đã thiệt mạng sau khi máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc Jeju Air hạ cánh bằng bụng xuống sân bay quốc tế Muan, sau đó va vào bức tường bê tông ở cuối đường băng và bốc cháy.
Tuy có hai người được cứu sống, đây vẫn là thảm họa hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Dưới đây là những thông tin đã biết và một câu hỏi lớn về vụ tai nạn:
Về Jeju Air
Được đặt tên theo hòn đảo Jeju, Jeju Air là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên và lớn nhất ở Hàn Quốc. Công ty bắt đầu hoạt động từ năm 2005 theo hình thức đối tác công - tư giữa Tập đoàn Aekyung và chính quyền tỉnh Jeju. Trụ sở chính và sân bay lớn nhất của hãng nằm ở thành phố Jeju, theo tờ Aljazeera.
Ngoài sự cố ngày 29/12, Jeju Air chỉ mới ghi nhận một vụ tai nạn khác vào năm 2007. Khi đó, chiếc máy bay Dash 8-400 của hãng này trượt khỏi đường băng tại sân bay quốc tế Gimhae ở Busan. Tất cả 79 người trên máy bay đều sống sót dù 4 hành khách bị thương.
Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc từng gắn cảnh báo đối với hai chuyến bay của Jeju Air vào tháng 3/2022 vì không tuân thủ các quy trình an toàn. Những chuyến bay này bị cấm bay từ 7 đến 20 ngày.
Về phi công chuyến bay
Chính phủ Hàn Quốc cho biết cơ trưởng của chiếc máy bay gặp nạn là một phi công dày dạn kinh nghiệm với tổng cộng 6.328 giờ bay trong sự nghiệp. Ông đã giữ vị trí cơ trưởng kể từ năm 2019. Còn cơ phó đã bay 1.650 giờ và được đề bạt lên cấp bậc đó từ năm 2023.
Về máy bay gặp nạn
Máy bay gặp nạn là một chiếc Boeing 737-800. Đây là một trong những dòng máy bay phổ biến nhất trên thế giới và có hồ sơ an toàn vững chắc.
Cirium cho biết tuổi thọ trung bình của đội tàu bay Boeing 737-800 trên toàn thế giới là 13 năm. Còn chiếc máy bay gặp nạn khoảng 15 năm tuổi. Jeju Air tiếp nhận chiếc máy bay này vào năm 2017, trước đó nó được hãng hàng không giá rẻ Ryanair của châu Âu khai thác.
Giới chuyên gia đánh giá các nhà điều tra nhiều khả năng sẽ không phát hiện ra vấn đề về thiết kế đối với dòng máy bay đường dài này.
Điều đáng lưu ý là trước vụ tai nạn, chiếc Boeing 737-800 của Jeju Air đã vận hành 13 chuyến bay trong 48 giờ đồng hồ, theo nguồn tin của Yonhap. Trong khoảng thời gian đó, chiếc máy bay này di chuyển qua lại giữa đảo Jeju, thành phố Incheon ở Hàn Quốc, cũng như các điểm đến quốc tế bao gồm Bắc Kinh, Bangkok, Kota Kinabalu, Nagasaki và Đài Bắc.
Các nhà quan sát lo ngại về khả năng Jeju Air có thể đã hoạt động quá công suất khi lên lịch trình bay dày đặc trong mùa cao điểm cuối năm.
Về nhà sản xuất Boeing
Trong những năm gần đây, gã khổng lồ Boeing của Mỹ đã hứng chỉ trích dữ dội vì dòng Boeing 737 MAX, dòng máy bay ra đời sau 737-800.
Dòng 737 MAX có liên quan đến hai thảm kịch hàng không năm 2018 và 2019 khiến 346 người thiệt mạng. Trong năm nay, Boeing 737 MAX cũng xảy ra một số sự cố, bao gồm vụ cửa cabin trong chuyến bay của hãng Alaskan Airlines bị bung ra trên không vào tháng 1.
Hôm 30/11, một chiếc Boeing 737-800 khác của Jeju Air phải nhanh chóng quay lại sân bay Gimpo sau khi cất cánh. Truyền thông đưa tin phi công trên chuyến bay đã phát hiện vấn đề với thiết bị hạ cánh.
Về thiết kế sân bay
Chiếc Boeing 737-800 của Jeju Air hạ cánh bằng bụng trên đường băng của sân bay Muan, sau đó va vào một cấu trúc bê tông và bốc cháy. Cấu trúc này là nơi đặt hệ thống ăn-ten hỗ trợ máy bay hạ cánh và cách điểm cuối của đường băng khoảng 250 m.
Một số chuyên gia hàng không cho rằng số người thiệt mạng có thể giảm bớt nếu máy bay không va chạm với bức tường bê tông đó.
Mỹ, Canada và các nước châu Âu cũng sử dụng những cấu trúc ăn-ten tương tự nhưng chúng được thiết kế để dễ dàng vỡ nhằm tránh tình huống nguy hiểm. Ngoài ra cũng rất ít sân bay đặt hệ thống đó trên tường bê-tông.
Ông John Cox, chuyên gia tư vấn về an toàn hàng không, nghi ngờ nguyên nhân gây ra cái chết của hầu hết hành khách là chấn thương từ lực sinh ra khi máy bay va vào bức tường.
Đâu là nguyên nhân chính của vụ tai nạn?
Phi công trên chiếc máy bay gặp nạn và đài kiểm soát không lưu đều báo cáo về nguy cơ va chạm với chim, do đó đây là trọng tâm của cuộc điều tra. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chim chóc không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch.
Các chuyên gia nói chuyện với Reuters và New York Times cho biết việc va chạm với chim có thể vô hiệu hóa động cơ của máy bay nhưng phi công vẫn có thể triển khai thiết bị hạ cánh.
Đoạn phim quay cảnh chiếc Boeing 737-800 của Jeju Air hạ cánh tại Muan cho thấy nó trượt xuống đường băng mà không triển khai thiết bị hạ cánh. Khi hạ cánh bằng bụng, chiếc máy bay dường như không thể giảm tốc độ trước khi đâm sầm vào tường bê tông.
Câu hỏi đặt ra là vì sao phi công lại hành động vội vã như vậy. Khi phi công định hạ cánh bằng bụng máy bay, họ thường cố gắng xả bớt nhiên liệu trên không và câu giờ để các nhân viên dưới mặt đất chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp.
Nhưng phi công của JeJu Air có vẻ đã quyết định rằng họ không có thời gian làm vậy. Nguyên nhân có thể là máy bay bị hỏng cả hai động cơ hoặc phán đoán sai lầm của con người.
Giới chức Hàn Quốc đang cố gắng điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn bằng cách sử dụng các “hộp đen” trên chiếc máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, bộ ghi âm chuyến bay đang bị mất một thiết bị quan trọng và việc phục hồi nó sẽ tốn thời gian. Một điều tra viên nói với hãng Yonhap rằng Hàn Quốc có thể mất tới một tháng để giải mã các hộp đen.