Trước thông tin Mỹ dự định áp thuế 46% lên hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào nước này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng là giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) bên lề một sự kiện về kết nối giao thương diễn ra mới đây ở Hà Nội.

Mỹ đang có dự định áp thuế đối ứng mức cao với Việt Nam. Theo ông các doanh nghiệp Việt cần phản ứng trước thông tin này như thế nào?

Tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam cần phải kích hoạt mô đun quản trị rủi ro trong điều kiện thế giới bất định. Thế giới có sự bất định và có cái cú sốc như vậy thì doanh nghiệp Việt phải có một cơ chế dự phòng. Dự phòng hay nhất ở đây là chúng ta đa dạng hóa thị trường.

Thứ hai là đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và thứ ba là chuyển hàng hoá đó sang thị trường thứ ba qua nhiều cách, chẳng hạn thương mại điện tử. Thị trường các nước như Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, kể cả châu Á - Thái Bình Dương bằng các hiệp định thương mại chúng ta đã ký,… đó là cách chúng ta phân tán bớt rủi ro.

Ông vừa nhắc đến các giải pháp để doanh nghiệp Việt có thể ứng phó với các biến động, đặc biệt từ các chính sách thuế quan mới của Mỹ đó là thương mại điện tử xuyên biên giới. Ông có thể nói cụ thể hơn được không?

Tôi nghĩ thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những xu hướng mới thay thế cho thương mại truyền thống khi tất cả giao dịch đều thực hiện trong không gian mạng. Theo các báo cáo gần đây cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trên 20%/năm và chúng ta nằm trong top các quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á.

Nói cách khác, lợi nhuận thu được từ kênh bán hàng này là rất lớn và thậm chí có những người còn nhận định đây là mô hình tạo ra những thay đổi chưa từng có trong lịch sử. Do đó, Việt Nam nên đẩy mạnh khai thác thương mại theo hướng này vì nó thúc đẩy phát triển công nghệ, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng,… khi tiết giảm được chi phí tiết kiệm được thời gian.

Nếu chúng ta khai thác thương mại điện tử xuyên biên giới một cách triệt để tôi nghĩ khả năng đẩy mạnh xuất khẩu trên nền tảng số còn rất lớn. Việt Nam có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu, chỉ thiếu thủ tục đăng ký nhãn hiệu hay các thủ tục gia nhập sàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu làm được, tôi nghĩ số lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử có thể tăng hàng chục lần trong thời gian tới.

Vậy giải pháp là gì? Đầu tiên đó là chúng ta cần tăng cường chuyển đổi số doanh nghiệp và đặc biệt là phải số hoá, chuẩn hoá tất cả những sản phẩm dự kiến xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt cần xây dựng chuỗi chuyên nghiệp, đầy đủ các tiêu chuẩn về yêu cầu chứng chỉ, yêu cầu về chất lượng, yêu cầu về vệ sinh an toàn,… Tất cả những tiêu chuẩn về công nghệ được sàn yêu cầu tôi nghĩ nên tuân thủ đúng như vậy bởi nếu không đủ tiêu chuẩn thì sẽ không thể làm hài lòng khách hàng.

Ngoài ra, tôi nghĩ chúng ta nên cố gắng tạo ra một nền tảng thương mại điện tử của riêng mình có giá rẻ, dễ tiếp cận. Tôi cho rằng các tập đoàn công nghệ Việt Nam nên tham gia vào cái này để tránh chúng ta phải phụ thuộc vào các sàn nớc ngoài.

Chúng ta cũng cần tuyên truyền, chẳng hạn phát hành sổ tay cẩm nang để các chủ doanh nghiệp, thậm chí là các cá nhân có thể gia nhập sàn thương mại điện tử một cách dễ dàng. Và cuối cùng, liên quan đến cơ chế quản lý, cần có chính sách khuyến khích, bảo hộ hàng Việt Nam xuất khẩu trên các sàn thương mại xuyên biên giới.

Nếu tất cả những giải pháp trên được làm đồng bộ, tôi nghĩ chắc chắn thương mại điện tử xuyên biến giới sẽ nở rộ trong thời gian tới.

Amazon cho biết doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu rất nhiều vào Mỹ qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của họ. Vậy với mức thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp dụng cho Việt Nam, ông dự báo xuất khẩu của doanh nghiệp Việt vào Mỹ qua thương mại điện tử có giảm?

Tôi nghĩ khi áp dụng mức thuế này một cách đồng bộ, triệt để thì chắc chắn sẽ giảm. Tức là xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ qua ngả đường thương mại điện tử sẽ có xu hướng giảm. Tất nhiên, những nền tảng thương mại điện tử như Amazon phải là người đóng thuế cho Chỉnh phủ Mỹ và điều đó là công bằng thôi.

Và tôi nghĩ rằng nếu Amazon làm tốt thì họ có thể đưa ra các chính sách về khuyến mại, giảm giá cho người tiêu dùng. Với cách làm này, tôi nghĩ cũng là một cách tốt cho hàng Việt Nam tuy chịu thuế nhưng vẫn có thể có khả năng cạnh tranh được.

Vậy ngoài Mỹ, theo ông doanh nghiệp Việt còn có những lựa chọn nào khác để xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới?

Ngoài Mỹ, tôi nghĩ là có những thị trường rất đáng kể để xuất khẩu qua thương mại điện tử, như châu Âu chẳng hạn. Cái này mình chưa khai thác nhiều, chủ yếu Amazon ở thị trường Mỹ thôi, trong khi đó tôi cho rằng thương mại điện tử giữa châu Âu và Việt Nam chưa tương xứng. Tôi chưa nói cả với Trung Quốc - khu nước này có nền tảng thương mại điện tử rất mạnh. Ngoài ra còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, các đối tác Đông Nam Á.

Do đó, như tôi đề cập ở trên, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt cho các tập đoàn thương mại điện tử nhập cuộc, thậm chí là những tập đoàn công nghệ Việt Nam có thể vào cuộc để xây dựng sàn thương mại điện tử Việt, kết nối các thị trường này mà không phải trông chờ vào nước ngoài. Chúng ta phải lớn mạnh lên, phải đầu tư nhiều hơn, thậm chí có thể thuê họ để phục vụ cho chúng ta thực hiện mục tiêu này.

Theo ông, hiện tại đâu là điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp Việt để đưa hàng hoá xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử?

Theo tôi, điểm yếu ở đây là chúng ta chưa quen với cái lối kinh doanh theo kiểu thương mại điện tử, chúng ta sợ rủi ro. Đây là một trong những yếu tố làm cản trở sự tham gia một cách hồ hởi của doanh nghiệp Việt Nam vào các sàn thương mại điện tử.

Do đó tôi nghĩ rằng điểm đầu tiên các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hoá qua thương mại điện tử cần là kỹ năng số, kiến thức số phải tốt. Thứ hai, chúng ta nên có một cái gọi là module quản trị rủi ro khi tham gia thương mại điện tử và thứ ba tôi nghĩ là nên thuê các chuyên gia tư vấn của các cái sàn này người ta tư vấn cho.

Chúng ta có thể bán thử nếu mà tốt thì chúng ta sẽ bán tiếp, có ai cấm mình đâu. Tôi nghĩ là vì mình chưa chịu làm. Nếu chúng ta làm hồ hởi, có những doanh nghiệp làm ăn tốt, đã chuẩn hoá các quy trình rồi thì tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử quá tốt, nó là một máy chạy tự động, tiền vào tài khoản liên tục, rất dễ và thậm chí có thể có quy mô rất lớn.

Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!