Trong báo cáo ngành bán lẻ tạp hóa hiện đại mới đây, Chứng khoán Vietcap chỉ ra rằng, minimart - mô hình kinh doanh có diện tích sàn lên đến 500m2 dần nổi lên như một động lực tăng trưởng chủ chốt, đồng thời là mô hình bán lẻ tối ưu cho thị trường Việt Nam hiện nay.
Điểm khác biệt của minimart so với các cửa hàng tiện ích thông thường là tập trung vào thực phẩm tươi sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng. Trong khi ngành hàng tạp hóa hiện đại tăng trưởng với tốc độ CAGR 11% từ năm 2016 đến 2023, thì phân khúc minimart ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội, đạt CAGR 45% trong cùng kỳ.
“Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, bởi mô hình minimart này đặc biệt phù hợp với nhóm khách hàng trẻ, thuộc tầng lớp trung lưu, thường xuyên di chuyển bằng xe máy và có nhu cầu mua sắm nhanh gọn các mặt hàng tạp hóa phục vụ cho bữa ăn hàng ngày”, Vietcap viết trong báo cáo.
Cuộc đua minimart
Dữ liệu từ Viectap cho thấy, Bách Hóa Xanh, WinCommerce, Saigon Co.op và Satrafoods đang nắm giữ thị phần chủ chốt trong phân khúc minimart. Bách Hóa Xanh, Co.op Food và Satrafoods chủ yếu hoạt động tại thị trường miền Nam. WinCommerce - chủ sở hữu WinMart+/WIN, với lợi thế về quy mô, đã thiết lập được mạng lưới minimart rộng khắp trên cả nước.
Một số chuỗi minimart đáng chú ý khác có thể kể đến như Kingfoodmart ở miền Nam (ra đời năm 2018, được đầu tư bởi quỹ đầu tư Seedcom) và T-mart ở miền Bắc (thành lập năm 2009, được đầu tư bởi T-Group). Năm 2020, AEON cũng tham gia vào thị trường minimart với thương hiệu AEON MaxValu, tập trung phát triển tại miền Bắc.
Tại khu vực phía Bắc, WinCommerce hiện dẫn đầu thị trường minimart, có khoảng 3.600 cửa hàng tính đến tháng 9/2024. Ước tính, các cửa hãng minimart mang về khoảng 70% vào tổng doanh số 12 tháng gần nhất của WinCommerce.
Vietcap cho rằng, WinCommerce có nhiều lợi thế trong cuộc đua minimart khi loạt thực phẩm tươi sống có thương hiệu và nhãn hiệu riêng như thịt mát từ Masan MEATLife và rau củ từ Win Eco.
Ở phía Nam, Bách Hoá Xanh hiện là ứng viên số 1 của thị trường minimart. Khác với WinCommerce, Bách Hoá Xanh chỉ tập trung vào mô hình minimart với quy mô cửa hàng chủ yếu từ 200-300m2, một số ít có diện tích 500m2. Chuỗi này hiện đang phủ sóng mạnh mẽ tại khu vực miền Nam (đặc biệt là TP HCM) và chưa có kế hoạch mở rộng ra miền Bắc. Cập nhật đến cuối tháng 11/2024, Bách Hoá Xanh có 1.735 cửa hàng.
Thế mạnh của chuỗi này là về thực phẩm tươi sống với giá cả cạnh tranh, phục vụ phân khúc hộ gia đình có thu nhập từ thấp đến trung bình. Dữ liệu từ Vietcap, trong 12 tháng kết thúc vào quý II/2024, Bách Hoá Xanh đóng góp 29% doanh thu thuần và khoảng 18% EBITDA của MWG.
Tiềm năng minimart
Theo Vietcap, yếu tố tiện lợi chính là chìa khóa thành công của mô hình minimart, đặc biệt tại Việt Nam, nơi xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu. Với diện tích nhỏ gọn (thường dưới 500m2), minimart có thể dễ dàng hình thành tại các khu dân cư, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày của người dân một cách nhanh chóng.
Nghiên cứu của Vietcap chỉ ra, "gần nhà" hoặc "thuận đường về nhà" là tiêu chí hàng đầu của người tiêu dùng Việt khi lựa chọn địa điểm mua sắm. Hơn nữa, việc bố trí cửa hàng ở những vị trí thuận tiện giúp người đi xe máy dễ dàng ghé vào mua sắm mà không mất nhiều thời gian. Với thói quen mua sắm số lượng ít và thường xuyên của người Việt, minimart với khoảng 4.000 mặt hàng thiết yếu đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của cộng đồng dân cư.
Ngược lại, các đại siêu thị và siêu thị lớn hơn (với diện tích tối thiểu 1.000m2) gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận người tiêu dùng do khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng tại các khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó, việc gửi xe và di chuyển trong siêu thị lớn cũng mất nhiều thời gian hơn, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Vì vậy, người tiêu dùng thường chỉ lựa chọn siêu thị và đại siêu thị khi có nhu cầu mua sắm với số lượng lớn (các sản phẩm đóng gói, đồ gia dụng,...) để tận dụng lợi thế về giá cả và sự đa dạng sản phẩm.
Bên cạnh đó, lối sống hiện đại đang dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy sự chuyển dịch từ kênh bán hàng truyền thống sang minimart.
Theo Kantar Worldpanel, minimart đang dần khẳng định vị thế trong ngành bán lẻ, thậm chí trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Cụ thể, tại 4 thành phố lớn (TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ), thị phần của minimart trong tổng doanh số bán lẻ FMCG đã tăng từ 5% (năm 2018) lên 7% (năm 2023).
Ở khu vực nông thôn, con số này cũng tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức gần như bằng 0 (năm 2018) lên 2% (năm 2023). Xu hướng này cho thấy, minimart đang ngày càng được ưa chuộng, kể cả ở những khu vực trước đây còn thiếu vắng các dịch vụ bán lẻ hiện đại.
Kantar Worldpanel dự báo, đến năm 2025, thị phần của minimart trong ngành bán lẻ FMCG sẽ đạt 8% tại khu vực thành thị của 4 thành phố trọng điểm và 4% tại khu vực nông thôn.