Sáng 26/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Sản phẩm rượu, bia nhận được được nhiều đại biểu quan tâm.
Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), mục tiêu của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là thay đổi hành vi tiêu dùng nhằm hạn chế tác hại của sản phẩm cho sức khỏe con người và ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng, hướng người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm thay thế có lợi hơn.
Vì vậy, đại biểu đồng tình với việc đánh thuế với hai sản phẩm tiêu dùng có hại cho sức khỏe là thuốc lá và rượu bia. Tuy nhiên, phải tính toán đánh thuế để đạt mục tiêu là giảm tiêu dùng, thay đổi hành vi.
Cụ thể, đối với rượu, bia, đại biểu Cường đề nghị bỏ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đều hàng năm từ năm 2026 -2030 (mỗi năm tăng bình quân 5%), mà thay vào đó nên tăng một đợt thuế rất cao ngay từ đầu, rồi có thể sau 5 năm tăng một lần nữa.
"Cách đánh thuế cứ mỗi năm tăng một chút thực chất tôi hiểu đây không phải mục tiêu để thay đổi hành vi, mà đây là cách làm sao người tiêu dùng dễ thích nghi hơn với thuế này", đại biểu Cường lý giải.
Xem xét lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý
Tuy vậy, ông Cường cho rằng cần phải giãn thời gian áp dụng luật thuế này bởi thuế bia có ảnh hưởng đến tiêu dùng dịch vụ. Nếu tiêu dùng dịch vụ giảm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập quốc dân.
Trong đó, hiện nay, Việt Nam đang áp dụng chính sách để khuyến khích tiêu dùng dịch vụ bằng việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2025.
Sang năm 2026, thuế bia lại tăng ngay lập tức, điều này đi ngược lại với mục tiêu của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng nhằm tăng thuế tác động đến tiêu dùng trực tiếp. Như vậy dịch vụ sẽ không tăng được.
"Đồng ý phải tăng thuế bia nhưng thời gian áp dụng bắt đầu thì không nên áp dụng ngay từ năm 2026 mà nên bắt đầu từ năm 2027 và như vậy chúng ta sẽ có 1 năm, từ năm nay ban hành và năm 2026 là năm để chúng ta tuyên truyền, vận động và năm gọi là giữ lệnh cho việc thay đổi hành vi này", ông Cường nêu rõ.
Còn theo ĐBQH Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng), việc đề xuất điều chỉnh Thuế TTĐB đối với ngành bia cần được xem xét thận trọng, toàn diện trên 3 khía cạnh gồm việc làm; thu ngân sách địa phương-thu ngân sách nhà nước; sức khỏe người tiêu dùng.
Về tác động đến việc làm, theo đại biểu này, ngành bia hiện tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên cả nước. Việc tăng thuế đột ngột như đề xuất sẽ khiến giá bia tăng cao, kéo theo sự sụt giảm doanh thu, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, đe dọa đến sinh kế người lao động.
Về thu ngân sách địa phương, ngành bia đóng góp hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi sản lượng tiêu thụ hợp pháp giảm mạnh thì nguồn thu này bị suy giảm, ảnh hưởng đến ngân sách trung ương và tác động đến thu ngân sách của địa phương.
Về sức khỏe cộng đồng, việc tăng thuế quá nhanh, quá cao có thể gây tác động ngược. Giá bia hợp pháp tăng đột biến sẽ đẩy người tiêu dùng, nhất là nhóm thu nhập thấp chuyển sang sản phẩm không chính thức, không kiểm soát được chất lượng.
"Việc này không những phá vỡ những mục tiêu ban đầu là bảo vệ sức khỏe mà còn làm gia tăng thị phần bia bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách, làm méo mó thị trường. Chính sách thuế nếu không được thiết kế trên cơ sở khoa học, không có đánh giá tác động đầy đủ và thiếu sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp sẽ dẫn đến hệ lụy ngoài mong muốn", ông Minh quan ngại.
Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Duy Minh đề nghị Ban soạn thảo tiến hành đánh giá tác động toàn diện, minh bạch, có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu độc lập, xem xét đến việc làm và ngân sách địa phương.
Đồng thời, xem xét lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý, có độ trễ tối thiểu một năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và người tiêu dùng có thời gian thích nghi.
Đi kèm với đó là nghiên cứu áp dụng dựa phương pháp đánh thuế dựa trên hàm lượng cồn thay vì đánh đồng theo giá trị sản phẩm. Việc này góp phần định hướng tiêu dùng có trách nhiệm.
Trả lời các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, đối với việc đánh thuế các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá mục tiêu không phải là tăng thu ngân sách, mà điều chỉnh hành vi tiêu dùng và thực hiện 2 luật là Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Thời gian đầu có thể sẽ ảnh hưởng đến sản lượng nhưng phải đặt sức khỏe con người lên trên hết.