Những năm qua, mặc dù lãnh đạo tỉnh đã chủ động tiếp cận nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để mời gọi đầu tư, liên tục tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư tại nước ngoài để quảng bá hình ảnh địa phương và kết nối với các doanh nghiệp lớn trên thế giới, nhưng kết quả thu hút vốn FDI của Hà Tĩnh vẫn bị đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển và nhu cầu của tỉnh.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Hà Tĩnh thu hút được 276,13 triệu USD. Đây cũng là năm tỉnh này ghi nhận số vốn đầu tư FDI vào địa phương lớn nhất kể từ vụ việc Formosa Hà Tĩnh xả thải khiến cá chết hàng loạt tại vùng cảng biển Vũng Áng vào năm 2016.

Năm 2023, thu hút FDI tại Hà Tĩnh chỉ đạt 73,75 triệu USD, bằng 1/4 năm trước đó. Mặc dù kết quả này cao hơn thời kỳ COVID-19 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước đó.

11 tháng năm nay, tỉnh chỉ ghi nhận một lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng số vốn FDI thu hút được từ đầu năm tới nay đạt vỏn vẹn 5,69 triệu USD. Luỹ kế đến nay, Hà Tĩnh đã cấp mới đăng ký cho 84 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 12 tỷ USD.

Tuy vậy, thời gian qua, bức tranh thu hút đầu tư FDI của Hà Tĩnh vẫn ghi nhận một số điểm sáng, nổi bật trong đó là các dự án công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường và các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo,...

Công nghiệp xanh thu hút FDI

Tiêu biểu trong số những dự án FDI xanh đã được triển khai tại địa phương phải kể đến nhà máy liên doanh sản xuất Pin Lithium VinES - Gotion tại khu kinh tế Vũng Áng do CTCP Giải pháp Năng lượng VinES (thành viên tập đoàn Vingroup) và Công ty Gotion, Inc. (thành viên Gotion High -Tech, Trung Quốc) làm chủ đầu tư.

Dự án đã được khởi công vào tháng 11/2022, với tổng mức đầu tư khoảng 275 triệu USD, công suất thiết kế 5GWh/năm, tương đương 30 triệu cell pin. Đại diện VinES, bà Phạm Thuỳ Linh, Tổng Giám đốc công ty đã khẳng định, dự án này sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới cho ngành công nghiệp xe điện và năng lượng sạch của Việt Nam.

Một dấu ấn đặc biệt trên con đường hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của địa phương được khởi công xây dựng trong năm nay là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà - VSIP Hà Tĩnh với quy mô gần 200 ha. Đây là dự án đầu tiên CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tư tại Hà Tĩnh với tổng vốn khoảng 64,8 triệu USD.

Ngoài ra, một số dự án năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo tại Hà Tĩnh cũng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như: CTCP Điện mặt trời Hà Tĩnh được công ty Banpu Power Plc (BPP) có trụ sở tại Thái Lan chi 23,9 triệu USD để mua lại; NovaWind Việt Nam, công ty thuộc doanh nghiệp năng lượng điện gió hàng đầu tại Nga Rosatom Renewable Energy, đề xuất được nghiên cứu và phát triển đầu tư dự án điện gió,...

Kỳ vọng về một nền kinh tế xanh

Sau dự án pin lithium liên danh với tập đoàn Vingroup tại khu kinh tế Vũng Áng, trong buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh vào cuối tháng 10 vừa qua, đại diện tập đoàn Gotion cho biết, doanh nghiệp đang xem xét tiếp tục phát triển dự án sản xuất thiết bị lưu trữ điện tại Vũng Áng nhằm tối ưu hóa sử dụng năng lượng tái tạo và cung cấp nguồn điện ổn định.

Việc Gotion chọn Vũng Áng cho dự án lưu trữ điện năng hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, tạo việc làm và củng cố sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng xanh.

Không chỉ thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Hà Tĩnh cũng là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp trong nước mong muốn tham gia vào nền kinh tế xanh.Các dự án này cũng đang có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời củng cố vị thế của tỉnh đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Gần đây nhất, ngày 8/12, tại khu kinh tế Vũng Áng, tập đoàn Vingroup đã tổ chức lễ khởi động dự án xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Dự án đã trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện cũng như xu hướng chuyển đổi xanh.

Trước đó, vào tháng 7, một dự án khác của tập đoàn Vingroup là khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng - Hà Tĩnh đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn nửa tỷ USD, quy mô sử dụng đất là 964,84 ha.Bên cạnh khu công nghiệp Bắc Thạch Hà - VSIP Hà Tĩnh, Vinhomes Vũng Áng cũng được đặt nhiều kỳ vọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của địa phương.

Tại buổi lễ khởi công dự án nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các khu công nghiệp như Vinhomes, VSIP sẽ từng bước đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, thân thiện với môi trường của miền Trung và cả nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trên bản đồ kinh tế đất nước và khu vực.

Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp, Phó Thủ tướng tin tưởng nhà máy sản xuất ô tô điện sẽ đóng vai trò tiên phong trong chiến lược phát triển giao thông xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Theo mục tiêu được đặt ra tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.

Trong đó, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ phát triển theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, địa phương luôn xác định chuyển đổi xanh, kinh tế xanh là yếu tố then chốt để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.