Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, German Galushchenko cho biết, nước này đã ngừng vận chuyển khí đốt của Nga. Đây là một sự kiện lịch sử. Nga sẽ chịu thiệt hại về tài chính do bị mất thị trường châu Âu.
Việc đóng cửa tuyến đường dẫn khí đốt lâu đời nhất của Nga tới châu Âu đã được dự đoán trước trong bối cảnh xung đột tại Ukraine nổ ra từ tháng 2/2022. Ukraine đã kiên quyết sẽ không gia hạn thỏa thuận trong bối cảnh xung đột.
Theo một nguồn tin trong ngành, tập đoàn Gazprom của Nga năm ngoái đã giả định không có đường vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã tăng cường nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, khi tích cực tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Những nước mua khí đốt còn lại của Nga qua Ukraine như Slovakia và Áo cũng đã sắp xếp nguồn cung thay thế.
Ukraine hiện phải đối mặt với việc mất khoảng 800 triệu USD mỗi năm phí quá cảnh từ Nga, trong khi Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD tiền bán khí đốt.
Nga và Liên Xô cũ đã dành nửa thế kỷ để giành được thị phần lớn tại thị trường khí đốt châu Âu, với đỉnh điểm chiếm khoảng 35%, nhưng xung đột đã ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động kinh doanh của Gazprom.
Đường ống Yamal-châu Âu qua Belarus cũng đã đóng cửa và tuyến Nord Stream qua Biển Baltic đến Đức đã bị nổ vào năm 2022.
Kết hợp lại, các tuyến vận chuyển đã cung cấp lượng khí đốt cao kỷ lục 201 tỷ mét khối (bcm) tới châu Âu vào năm 2018.
Nga đã vận chuyển khoảng 15 bcm khí đốt qua Ukraine vào năm 2023, giảm mạnh so với mức 65 bcm khi hợp đồng quá cảnh khí đốt bắt đầu vào năm 2020.