Nguồn: SSI
Luận điểm đầu tư:
- Q1/2025 ghi nhận giai đoạn hoạt động với nhiều thách thức, với lợi nhuận trước thuế (LNTT) giảm 22% svck, chủ yếu do biến động tỷ giá kém thuận lợi và sự phân bổ không đều chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) giữa các quý. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sự sụt giảm này chỉ mang tính tạm thời và công ty sẽ ghi nhận lợi nhuận phục hồi đáng kể trong các quý tiếp theo.
- Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ quay lại đà tăng trưởng từ Q2/2025, nhờ hai yếu tố hỗ trợ chính sau: (i) sự điều chỉnh của giá dầu toàn cầu, và (ii) việc áp dụng luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) mới có hiệu lực từ tháng 7/2025, cho phép DPM khấu trừ thuế GTGT đối với chi phí khí đầu vào — một thay đổi trọng yếu có thể cải thiện đáng kể lợi nhuận.
- Bảng cân đối kế toán lành mạnh của DPM, với lượng tiền mặt ròng tương đương với 55% vốn hóa thị trường hiện tại, mang lại một bộ đệm vững chắc trước các rủi ro tiềm ẩn. Điều này kết hợp với các yếu tố cơ bản đang được cải thiện củng cố quan điểm tích cực của chúng tôi đối với cổ phiếu DPM.
- Chúng tôi dự báo LNTT năm 2025 đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (+83% svck). Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 12 tháng dựa trên trung bình của các phương pháp PE/PB/ EV/EBITDA là 38.300 đồng/cổ phiếu, tương đương với lợi suất đầu tư 21%, bao gồm tỷ suất cổ tức 6,4%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu DPM.
Triển vọng ngắn hạn:
- Lợi nhuận dự kiến phục hồi từ Q2/2025 nhờ mức giá dầu thấp, và sẽ tăng trưởng mạnh vào cuối năm khi luật thuế GTGT có hiệu lực từ tháng 7/2025. Việc phát hành cổ phiếu thưởng dự kiến diễn ra trong Q4/2025 sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng giá cổ phiếu.
Triển vọng dài hạn:
- Do DPM không có kế hoạch mở rộng công suất lớn, lợi nhuận của công ty dự kiến sẽ tiếp tục biến động theo giá urê.