Chỉ trong vòng hai năm, hình ảnh F88 đã có sự thay đổi lớn. Tháng 4/2023, công ty gặp khó khăn nghiêm trọng khi nhiều chi nhánh phía Nam bị phong tỏa, nhiều văn phòng đóng cửa. Tình trạng này khiến công ty đối diện với khủng hoảng niềm tin. Cùng năm đó, công ty báo lỗ 529 tỷ đồng.
Đến tháng 5/2025, F88 thu hút được 30 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời chuẩn bị niêm yết chứng khoán. Đây là một bước chuyển lớn và khá bất ngờ so với tình trạng hai năm trước.
Tại CX Leader Summit 2025 do VPERIA tổ chức, ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Truyền thông và tiếp thị F88, chia sẻ rằng một trong những yếu tố giúp công ty vượt qua khủng hoảng chính là văn hóa doanh nghiệp.
Ông cho biết, kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất như dịch COVID-19, F88 cũng không sa thải hay cắt giảm lương nhân viên. Chính văn hóa gắn kết nội bộ giúp doanh nghiệp ổn định sau sự cố năm 2023.
Trong đợt khủng hoảng, công ty với 4.000 nhân sự trên khắp cả nước từng đứng trước nguy cơ tan rã. Tuy nhiên, sau 3 tháng gián đoạn hoạt động, không có nhân viên nào nghỉ việc. Sau khi ổn định, năm 2024, ban lãnh đạo quyết định mục tiêu đưa công ty lên sàn chứng khoán nhằm giảm chi phí huy động vốn, từ đó có thể hạ lãi suất cho vay với người dân.
Ông Việt phân tích, do không phải là tổ chức tín dụng, F88 phải huy động vốn qua phát hành trái phiếu với lãi suất cao (10,5% - 12%/năm), cộng thêm 8% thuế giá trị gia tăng trên các khoản cho vay. Chi phí vốn cao khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn. Việc lên sàn chứng khoán nhằm mục đích tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, từ đó giảm áp lực cho khách hàng.
Tuy nhiên, một rào cản khác đến từ đặc trưng văn hóa doanh nghiệp của F88 vốn có tính “hướng nội”. Ông Việt cho biết, điều này giúp nhân viên đoàn kết nhưng lại khiến họ không tin vào khả năng phát triển nhanh. Đồng thời, nhân viên cũng chịu tâm lý e dè do xã hội còn nhiều định kiến về lĩnh vực hoạt động của công ty.
Tháng 8/2024, F88 quyết định điều chỉnh văn hóa nội bộ. Công ty thành lập hội đồng văn hóa để tái định hình giá trị cốt lõi. “Trước đây với bộ gen hướng nội thì trải nghiệm nhân viên tuyệt vời, còn nay bổ sung thêm yếu tố hướng ngoại thì trải nghiệm nhân viên được giữ vững đồng thời trải nghiệm khách hàng lên ngôi. Bên trong gắn bó, bên ngoài đi nhanh”, ông Việt chia sẻ.
Quá trình triển khai văn hóa mới diễn ra bài bản. Công ty cho quản lý cấp trung trực tiếp tham gia thiết kế, sau đó phổ biến thử nghiệm trong nhóm nhỏ để tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh trước khi áp dụng rộng rãi. F88 áp dụng phương pháp đào tạo “train the trainer”, trong đó trưởng phòng sẽ đào tạo cho trưởng nhóm, rồi đến nhân viên. Tài liệu được điều chỉnh linh hoạt phù hợp từng địa phương.
Đề cập đến trải nghiệm khách hàng tại F88, ông Việt nhấn mạnh khách hàng của F88 chủ yếu là nhóm gặp khó khăn tài chính. “Khách hàng F88 cần trải nghiệm tử tế chứ không cần trải nghiệm thương hiệu”, ông nói.
Khách hàng đến với công ty thường có hai khó khăn lớn. Đầu tiên là tâm lý mặc cảm khi đi vay. Khách thường ngại xuất hiện tại các điểm vay, nhiều người thậm chí che mặt. Công ty đang từng bước thay đổi nhận thức, giúp khách hàng vượt qua rào cản tâm lý, khẳng định “nghèo không phải là tội”.
Trước đây, cả khách hàng và nhân viên đều cảm thấy ngại ngùng khi đề cập đến F88. Đến năm 2025, công ty ghi nhận những thay đổi tích cực, cụ thể như việc nhân viên và khách hàng chủ động chụp hình cùng nhau trong các chương trình trải nghiệm khách hàng.
Khó khăn thứ hai khách hàng gặp phải là vấn đề tài chính cụ thể. Phần lớn khách hàng của F88 vay số tiền rất nhỏ, trung bình chỉ 2-3 triệu đồng mỗi lần vay. Công ty đã tối ưu tốc độ xử lý hồ sơ, đưa vào sử dụng ứng dụng di động nhằm giảm thời gian xét duyệt. Với khách hàng đã cải thiện được tài chính, F88 kết nối họ với các ngân hàng để có các giải pháp vay dài hạn và phù hợp hơn.
Ngoài ra, công ty cũng phát triển các sản phẩm bảo hiểm giá thấp nhằm hỗ trợ khách hàng trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Việt cũng chia sẻ: “20 năm tôi đi mua vui cho các khoảnh khắc vui hơn nữa chứ chưa đi nâng đỡ những khoảnh khắc khó đến vậy. Khoảng 14 triệu người không có cơ hội tiếp cận tiền một cách đầy đủ chứ chưa nói đến ăn ngon, ở sướng”.
Theo thống kê, F88 mới phục vụ chưa đến 10% trong tổng số 14 triệu người cần hỗ trợ tài chính. Tỷ lệ khách hàng quay lại hiện đạt khoảng 50%. Dù tỷ lệ này cho thấy số lượng khách chưa thoát khỏi nghèo vẫn còn cao, ông Việt tin rằng tương lai lượng người nghèo sẽ giảm đi nhờ sự phát triển chung của đất nước.
F88 cũng đã lập thêm CTCP Công nghệ ngôi nhà xanh để cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ tiện ích cho nhóm khách hàng có thu nhập khá hơn, mở rộng hệ sinh thái tài chính nhằm giữ chân khách hàng.
Mục tiêu năm 2025, F88 sẽ mở rộng lên 888 phòng giao dịch, doanh thu ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 33,2%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 673 tỷ đồng, tăng gần 50%.