Cập nhật giá cao su thế giới

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/1, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản đạt 375,6 yen/kg, giảm 0,2% (0,9 yen/kg) so với phiên giao dịch trước.

Trong khi đó, Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ ở mức 17.585 nhân dân tệ/tấn đối với hợp đồng giao tháng 1/2025.

Tương tự, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 1/2025 tại Thái Lan đóng cửa ở mức 79 Baht/kg.

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 712.000 tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (bao gồm cả mủ cao su Latex) trong tháng 11, tăng 3,9% so với mức 685.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái và cũng là tháng tăng trưởng thứ hai liên tiếp của thị trường này.

Tuy nhiên, tính chung 11 tháng, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 6,5 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp, giảm 10,1% so với 7,3 triệu tấn cùng kỳ năm 2023.

Các thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Trung Quốc trong 11 tháng năm 2024 vẫn là các quốc gia trong khối ASEAN như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia...

Trong đó, đứng đầu là Thái Lan với khối lượng đạt 2 triệu tấn, trị giá 3,46 tỷ USD, giảm mạnh 20,6% về lượng và 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này khiến cho thị phần của Thái Lan trong tổng nhập khẩu cao su của Trung Quốc giảm xuống còn 31,4% từ mức 35,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Đứng ở vị trí thứ hai về cung cấp là Việt Nam, đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 1,92 tỷ USD, giảm 19,6% về lượng và 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về thị phần, Việt Nam chiếm 18,6% tổng dung lượng nhập khẩu cao su của Trung Quốc, giảm so với mức 20,8% của cùng kỳ.

Tương tự, lượng cao su xuất khẩu của Bờ Biển Ngà vào Trung Quốc cũng giảm 28,6%, đạt 326.900 tấn; Indonessia giảm 26,3%...

Tuy nhiên, lượng cao su nhập khẩu từ Malaysia tăng 4,9%, Nga tăng 14,3%, Myanmar tăng 21,6%, Hàn Quốc tăng 7,2%, Lào tăng 32,8%...

Trung Quốc giảm nhập khẩu cao su trong năm nay chủ yếu là do giá mặt hàng này tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng chậm lại do tăng trưởng kinh tế trì trệ.

Trong 11 tháng năm 2024, giá cao su nhập khẩu vào Trung Quốc đạt bình quân 1.736 USD/tấn, tăng đến 18,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, giá nhập khẩu từ Thái Lan đạt bình quân 1.695 USD/tấn, tăng 22,7%; từ Việt Nam đạt 1.591 USD/tấn, tăng 19,8%; từ Malaysia đạt 1.655 USD/tấn, tăng 19,2%; từ Nga đạt 1.623 USD/tấn, tăng 13,7%...

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Do nhu cầu của Trung Quốc đang chậm lại nên lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu thu về vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái do giá cao su thế giới tăng mạnh và nhu cầu cao từ các thị trường khác, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su sơ chế, tỷ trọng xuất khẩu cao su chế biến còn rất thấp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần chú trọng mở rộng thị trường, nhằm giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, cần quan tâm mở rộng thị phần tại thị trường EU.

Cập nhật giá cao su trong nước

Tại trong nước, giá cao su tiếp tục duy trì ổn định trong ngày đầu tiên của năm mới 2025.

Theo đó, Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua mủ nước ở mức 452 – 462 USD/tấn; mủ đông DRC (35 - 44%) đạt 13.600 đồng/kg; mủ nguyên liệu trong khoảng 16.900 - 18.200 đồng/kg.

Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua mủ nước trong khoảng 434 – 438 đồng/TSC, mủ đông tạp từ 387 - 441 đồng/DRC.

Còn tại Công ty Cao su Phú Riềng, giá thu mua mủ tạp đứng ở mức 415 đồng/DRC, mủ nước là 465 đồng/TSC.