Giờ đây, khi các máy bay Mỹ vừa không kích ba cơ sở hạt nhân chính của Iran, giới giao dịch đang chuẩn bị tinh thần cho một đợt tăng giá mạnh – nhưng vẫn chưa biết khủng hoảng sẽ đi về đâu.

Trong một tuần đầy biến động, giá dầu Brent đã tăng 11% kể từ sau cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran, tuy nhiên mức tăng này liên tục biến động mạnh theo từng ngày. Đà tăng dự kiến sẽ tiếp tục vào thứ Hai (23/6) sau khi Mỹ không kích các cơ sở ở Fordow, Natanz và Esfahan – một động thái đẩy căng thẳng lên tầm cao mới tại khu vực chiếm đến một phần ba sản lượng dầu toàn cầu.

Từ việc giá cước vận tải biển và nhiên liệu như diesel leo thang, cho đến sự đảo chiều đáng kể trên đường cong giá dầu kỳ hạn – tất cả những biến động đó được dự báo sẽ còn dữ dội hơn trong tuần tới.

“Điều quan trọng lúc này là Iran sẽ đáp trả thế nào trong vài giờ hoặc vài ngày tới – nhưng nếu Iran làm đúng như những gì họ từng đe dọa, giá dầu hoàn toàn có thể tiến về mốc 100 USD/thùng,” chuyên gia năng lượng Saul Kavonic tại MST Marquee nhận định. “Đòn không kích của Mỹ có thể châm ngòi cho xung đột lan rộng, đặc biệt nếu Iran tấn công các lợi ích của Mỹ trong khu vực như cơ sở hạ tầng dầu khí ở Iraq hoặc gây rối ở eo biển Hormuz.”

Eo biển Hormuz – cửa ngõ ra Vịnh Ba Tư – là tuyến hàng hải thiết yếu không chỉ với dầu xuất khẩu của Iran mà còn của Saudi Arabia, Iraq, Kuwait và nhiều thành viên khác trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Điều mấu chốt hiện nay là mục tiêu cuối cùng của chính quyền ông Trump tại Iran, sau khi đã quyết định cùng Israel thực hiện tấn công quân sự. Tuần trước, câu hỏi chỉ còn là “khi nào” chứ không phải “có hay không”. Nhưng đến tối thứ Năm, ông Trump tuyên bố sẽ cân nhắc thêm trong hai tuần. Tuy nhiên, vào rạng sáng Chủ nhật theo giờ Iran, ông bất ngờ thông báo đã tấn công ba cơ sở Fordow, Natanz và Esfahan, đồng thời mô tả việc “dội loạt bom” vào Fordow – cơ sở làm giàu uranium then chốt.

“Thị trường cần sự chắc chắn, và giờ thì Mỹ đã chính thức nhập cuộc tại Trung Đông,” ông Joe DeLaura – cựu nhà giao dịch, hiện là chiến lược gia năng lượng toàn cầu tại Rabobank – nhận định, đồng thời dự đoán giá dầu sẽ tăng khi thị trường mở cửa trở lại. “Tôi cho rằng Hải quân Mỹ sẽ được giao nhiệm vụ đảm bảo eo biển Hormuz thông suốt,” ông nói thêm và cho rằng giá dầu có thể tiến lên vùng 80–90 USD/thùng.

Tuy vậy, đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy nguồn cung dầu từ khu vực bị gián đoạn.

“Nếu Mỹ chính thức hỗ trợ quân sự cho Israel và tham gia lật đổ chính quyền hiện tại tại Iran, phản ứng ban đầu của thị trường sẽ là giá dầu tăng vọt,” chuyên gia Tamas Varga tại công ty môi giới PVM Oil Associates nhận định vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng công ty không kỳ vọng dầu mỏ sẽ bị lôi kéo trực tiếp vào xung đột bởi điều đó không mang lại lợi ích cho bên nào.

Giá dầu có vai trò đặc biệt quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến giá nhiên liệu và lạm phát – một vấn đề mà ông Trump từng cam kết sẽ giải quyết khi tranh cử. Trong những giai đoạn bất ổn nghiêm trọng, thiếu hụt dầu mỏ thậm chí có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

Tính đến hiện tại, chưa có sự gián đoạn nào đáng kể ở eo biển Hormuz – nơi trung chuyển khoảng 1/5 lượng dầu được sản xuất và tiêu thụ toàn cầu mỗi ngày. Thậm chí, Iran còn được cho là đang tăng tốc xuất khẩu như một phần trong phản ứng hậu cần với xung đột.

Nếu xung đột được kiềm chế và nguồn cung không bị gián đoạn, giá dầu có thể giảm trở lại. Tuy nhiên, việc Mỹ chính thức nhập cuộc có thể làm thay đổi toàn bộ cục diện, đặt dấu hỏi lớn cho an ninh hàng hải và ổn định khu vực.

Hôm thứ Sáu, Iran tuyên bố có thể cân nhắc điều chỉnh chương trình làm giàu uranium – động thái khiến giá dầu kỳ hạn giảm và nhắc nhở thế giới rằng chính sách hạt nhân của Tehran cũng ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường năng lượng.

Trong số các tài sản chịu ảnh hưởng mạnh từ căng thẳng, có thể kể đến thị trường quyền chọn – nơi các nhà giao dịch sẵn sàng chi khoản phí bảo hiểm khổng lồ để phòng hộ trước nguy cơ giá tăng mạnh.

Kể từ khi xung đột nổ ra, họ đã trả phí cao nhất kể từ ít nhất năm 2013 để bảo vệ vị thế. Khối lượng giao dịch quyền chọn mua (call option) tăng vọt kể từ khi các cuộc tấn công bắt đầu.

Thoát vị thế

Ngay cả trước khi ông Trump công bố tấn công, thị trường đã có dấu hiệu căng thẳng. Các nhà giao dịch đang rút khỏi vị thế hợp đồng tương lai với tốc độ nhanh nhất lịch sử – phản ánh sự căng thẳng do biến động lớn và triển vọng khó lường.

Tổng số hợp đồng tương lai được nắm giữ trên các sàn giao dịch chính đã giảm tương đương 367 triệu thùng – khoảng 7% – kể từ phiên chốt ngày 12/6, tức trước cuộc tấn công của Israel một ngày. Giới giao dịch cho biết sự biến động mạnh đã khiến việc định giá trở nên khó khăn trong suốt tuần qua.

“Các nhà phân tích và nhà giao dịch nên xem những biến động giá hiện tại là hệ quả của việc cắt giảm rủi ro đầu cơ,” ông Ryan Fitzmaurice – chiến lược gia cấp cao tại Marex Group Plc – nhận xét. “Từ nay trở đi, mức độ biến động và lượng hợp đồng mở sẽ là những chỉ số quan trọng cần theo dõi.”

Chi phí thuê tàu chở dầu từ Trung Đông sang Trung Quốc đã tăng gần 90% so với thời điểm trước khi Israel tấn công. Lợi nhuận cho tàu chở xăng, nhiên liệu bay cũng tăng mạnh, và phí bảo hiểm rủi ro cũng leo thang.

Mức độ nguy hiểm đối với tàu bè trong khu vực được minh chứng rõ khi hai tàu chở dầu va chạm, gây ra vụ nổ lớn – dù chủ tàu khẳng định sự cố này không liên quan đến xung đột. Tuy nhiên, gần 1.000 tàu/ngày đang bị nhiễu tín hiệu GPS, làm tăng nguy cơ tai nạn. Trung tâm MICA của Pháp – đơn vị phối hợp giữa quân đội và ngành hàng hải – cho biết sự cố có thể đã bị “làm trầm trọng thêm” do bị gây nhiễu.

“Những ngày tới sẽ rất quan trọng trong việc xác định liệu có giải pháp ngoại giao với Iran hay Mỹ sẽ tiếp tục hành động quân sự,” cơ quan này cho biết trong một thông báo cập nhật. “Thương mại hàng hải hiện chưa bị nhắm đến. Nhưng tình hình có thể thay đổi rất nhanh.”

Nguy cơ nguồn cung dầu bị gián đoạn, cộng với chi phí vận chuyển tăng vọt, đang khiến nhu cầu chuyển hướng sang các loại dầu ngoài khu vực Vịnh Ba Tư tăng mạnh.

Rủi ro đảo chiều

Giá dầu càng tăng mạnh thì rủi ro giảm sốc càng lớn nếu triển vọng hạ nhiệt trở nên rõ ràng hơn.

Ngay cả khi căng thẳng tiếp tục kéo dài, vẫn có tiền lệ cho thấy gián đoạn nguồn cung quy mô lớn có thể được giải quyết nhanh chóng. Ví dụ, sau vụ tấn công vào cơ sở Abqaiq của Arab Saudi năm 2019 khiến 7% nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn, giá dầu chỉ mất vài tuần để trở về mức thấp hơn trước khi xảy ra tấn công – do nguồn cung được phục hồi nhanh chóng.

Đây cũng là lý do khiến giới giao dịch vẫn thận trọng và giá dầu không tăng mạnh hơn trong những ngày gần đây.

“Đây là cú sốc lớn,” ông John Kilduff – đối tác tại Again Capital – nhận định, cho rằng mức phí rủi ro có thể lên đến 8 USD/thùng là hoàn toàn khả thi. “Phản ứng mặc định của thị trường là tăng giá. Mức độ tăng sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Iran - điều mà đến lúc này vẫn chưa chắc chắn.”