Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, bày tỏ hy vọng rằng nguồn cung khí đốt tăng từ Mỹ và các nhà sản xuất khác đến châu Âu sẽ giúp giá cả trở nên dễ chịu hơn. Trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Tư, ông nhấn mạnh rằng xung đột Nga - Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, dẫn đến việc các chỉ số khu vực và giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quốc tế tăng vọt,theo Bloomberg.
"Điều này sẽ khiến thị trường LNG càng thắt chặt hơn," ông Scott Darling, giám đốc điều hành tại Haitong International Securities, nhận định trên Bloomberg TV hôm thứ Năm. "Nguồn cung, đặc biệt là LNG, đang khan hiếm, và chúng tôi nhận thấy rủi ro tăng giá LNG giao ngay trong năm nay và năm sau."
Dòng khí đốt từ Nga đến châu Âu qua Ukraine đã bị dừng vào thứ Tư, khép lại hơn 5 thập kỷ hoạt động của tuyến đường cung cấp quan trọng này cho khu vực. Mặc dù động thái này đã được dự đoán trước sau nhiều tháng tranh cãi chính trị, châu Âu vẫn phải thay thế khoảng 5% lượng khí đốt và có thể dựa nhiều hơn vào các kho dự trữ, vốn đã giảm xuống dưới mức trung bình so với thời điểm này trong năm.
Giá khí đốt đã tăng trước sự kiện cắt giảm nguồn cung, với chỉ số giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu kết thúc năm 2024 tăng hơn 50%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa được phản ánh đầy đủ vào chi phí của LNG, loại khí đốt vốn thường đắt đỏ hơn và là nguồn năng lượng mà các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc phụ thuộc nhiều.
Kể từ ngày 1/1/2025, hoạt động vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua Ukraine đã chính thức dừng lại sau khi tập đoàn Naftogaz của Ukraine từ chối gia hạn thoả thuận với gã khổng lồ Gazprom của Nga.
Giá khí đốt tiếp tục tăng vào thứ Năm, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2023. Theo Bloomberg, giá khí đốt giao tháng Hai tại Hà Lan tăng tới 4,3% vào thứ Năm, trước khi thu hẹp mức tăng xuống còn 1,9%, đạt 49,83 euro/megawatt-giờ.
Các nhà giao dịch đã dự đoán trước việc mất nguồn khí đốt từ Nga và không có phương án thay thế sẵn sàng, khiến họ theo dõi sát sao xem liệu điều này có dẫn đến việc rút khí nhanh hơn từ các kho lưu trữ hay không.
Khi thoả thuận chấm dứt, Ukraine sẽ mất khoản phí trung chuyển hàng năm khoảng 800 triệu đến 1 tỷ USD. Trong khi đó, Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD doanh thu bán khí đốt.
Trước khi căng thẳng leo thang, Nga là nhà cung ứng khí đốt tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, tình thế thay đổi chóng vánh sau khi chiến sự nổ ra.
Theo Ủy ban châu Âu, thị phần của Nga trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu qua các đường ống của EU đã giảm mạnh từ hơn 40% vào năm 2021 xuống còn khoảng 8% vào năm 2023.