Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, năm 2024, nguồn cung căn hộ Hà Nội bắt đầu tăng trưởng trở lại nhưng tập trung chính ở các khu vực vùng ven, xa trung tâm, chiếm đến hơn 90%. Nguồn cung căn hộ khu vực trung tâm bao gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng vẫn rất khan hiếm. Sơ bộ năm 2024, khu vực trung tâm chỉ ghi nhận khoảng 400 sản phẩm mở bán, với 3 dự án mở bán mới, chỉ bằng khoảng 30% năm 2023.

Nguồn cung căn hộ tại các quận lõi trung tâm Hà Nội luôn duy trì ở mức thấp và ngày càng khan hiếm, do quỹ đất để phát triển các dự án ngày càng cạn kiệt và các quy định kiểm soát nghiêm ngặt về chiều cao, mật độ xây dựng khiến số lượng nguồn cung được tung ra thị trường ngày càng ít ỏi. Đặc biệt, giá bất động sản khu vực trung tâm đang trong xu hướng tăng với lực cầu lớn từ quá trình phát triển kinh tế và đô thị.

Giá trung bình căn hộ tại 4 quận trung tâm Hà Nội đã tăng gấp đôi so với đầu năm 2019, cao hơn 30% so với mức tăng trung bình của toàn Hà Nội. Trong số đó, quận Hai Bà Trưng và Đống Đa là những nơi có tốc độ tăng giá tốt nhất trong 5 năm qua. Các dự án mở bán mới trong 3 năm trở lại đây cũng liên tục được điều chỉnh tăng giá, khoảng 10% sau mỗi giai đoạn mở bán. Riêng trong năm 2024, các dự án căn hộ cao cấp thuộc khu vực trung tâm được mở bán mới có giá phổ biến từ 125 triệu đồng/m2. Căn hộ dịch vụ có giá khoảng 88 triệu/m2 (chưa gồm VAT và kinh phí bảo trì) - ông Đính dẫn chứng.

Cùng đó, giá thuê căn hộ tăng nhanh, cao hơn mức tăng chung của toàn thị trường do vừa tăng theo xu hướng chung, vừa tăng do khan hiếm, ước tính tăng trên dưới 15% so với cùng kỳ. Hiện nhu cầu căn hộ, bao gồm cả đầu tư và ở thực tại khu vực trung tâm luôn duy trì ở mức cao, nhất với các sản phẩm hạng sang.

Trong khi đó, nguồn cung sơ cấp vốn không nhiều nên được hấp thụ khá tốt với các đợt ra hàng số lượng ít. Tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới sơ bộ năm 2024 ước đạt 50%. Tỷ lệ lấp đầy căn hộ cho thuê luôn ở mức trên 80% và đang có xu hướng tăng dần đều. Giao dịch của khu vực chủ yếu phát sinh trên thị trường thứ cấp do nguồn cung sơ cấp không nhiều.

Trong bối cảnh quỹ đất khu vực trung tâm ngày càng cạn kiệt, nguồn cung căn hộ khu vực này vãn tiếp tục khan hiếm. Về dài hạn, nguồn cung căn hộ khu vực trung tâm có thể được bổ sung từ các dự án căn hộ mới chỉ có 1 phần nhỏ cơ hội được phát triển thông qua các chính sách về cải tạo chung cư, tập thể cũ.

Trong khi đó, nhu cầu của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, nhất là nhu cầu nhà ở cao cấp đến từ tầng lớp trung lưu, thượng lưu đang không ngừng được mở rộng cùng với sự phát triển kinh tế và từ đội ngũ chuyên gia theo làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các chuyên gia cũng nhận xét, thời gian tới, căn hộ tại khu vực trung tâm đem lại cơ hội đầu tư nhiều triển vọng. Căn hộ tại 4 quận lõi lõi trung tâm là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng luôn được giới đầu tư săn đón nhờ vị trí đắc địa, hệ thống hạ tầng xã hội chất lượng và hiện đại. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và các đại sứ quán. Nhờ vậy, bất động sản tọa lạc tại các khu vực này dễ dàng tiếp cận các nhà hàng, quán cà phê, khu mua sắm, bệnh viện quốc tế và các khu vực giải trí, phù hợp với nhu cầu của khách thuê cao cấp.

Hiện các căn hộ cao cấp, hạng sang nằm ở khu vực trung tâm, được quản lý và vận hành bởi các đơn vị uy tín với hệ thống tiện ích đồng bộ, bài bản sẽ thu hút nhu cầu ở thực của nhóm khách hàng cao cấp. Bởi vậy, phân khúc này cũng thu hút mạnh dòng vốn đầu tư do khả năng cho thuê với tỷ suất sinh lời cao, bền vững. Mặc dù mặt bằng giá đã ở mức giá cao nhưng với nguồn cung luôn duy trì ở mức thấp và vị trí đặc biệt, giá căn hộ ở trung tâm sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn. Giá cho thuê tiếp tục duy trì mặt bằng giá cao và tốc độ tăng trưởng ổn định, dự kiến tăng từ 7- 10% mỗi năm.

Đáng chú ý, quy hoạch năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 đặt mục tiêu kiến tạo khu vực này quy tụ nhiều không gian sống chất lượng cao sẽ tạo môi trường sống lý tưởng cho cư dân. Do đó, căn hộ khu vực trung tâm hứa hẹn tiềm năng sinh lời do lực cầu cao và nguồn cung khan hiếm.