Bộ Tài chính ước tính đến hết tháng 12/2024, cả nước giải ngân được trên 529.632 tỷ đồng, đạt 70,24% kế hoạch, đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khi tỷ lệ giải ngân là 73,5% kế hoạch và đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Điểm tích cực có 16 bộ, ngành và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước như Đài truyền hình Việt Nam (100%), ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (98,22%), Văn phòng Trung ương Đảng (93,65%), Đài tiếng nói Việt Nam (88,34%), ngân hàng Nhà nước (84,83%), Bộ Giao thông vận tải (83,3%), Bộ Công an (81,88%); Bắc Kạn (91,32%), Bình Định (91,19%), Nghệ An (90,59%), Vĩnh Phúc (90,54%), Hòa Bình (89,47%), Hà Nam (89,25%).
Tuy nhiên, vẫn còn 30 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước như Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (2,1%), Ủy ban dân tộc (6,87%), Đại học quốc gia Hà Nội (10,31%), Bộ Y tế (15,43%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (17,78%) …
Đáng chú ý, TP HCM - một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 rất lớn với trên 79.263 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho cả nước, nhưng đến nay mới giải ngân đạt trên 51% đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Trên thực tế, những điểm nghẽn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong các báo cáo định kỳ hàng tháng tập trung vào các vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; công tác lập, phân bổ kế hoạch; công tác tổ chức thực hiện.
Tuy vậy, đến nay, nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA....
Riêng đối với vốn ngân sách địa phương, các khó khăn liên quan đến nguồn thu sử dụng đất do chưa đảm bảo so với dự toán được cấp thẩm quyền giao, dẫn đến chậm phân bổ nguồn thu sử dụng đất, ảnh hưởng việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn này.
Cụ thể, tính đến ngày 19/12/2024, số tiền thu sử dụng đất của 63 địa phương chỉ đạt 91,13% so với dự toán được giao (206.256,6 tỷ đồng/226.333,2 tỷ đồng). Trong đó, còn 24 địa phương có tỷ lệ thu tiền sử dụng đất dưới 70%, trong đó có 11 địa phương, có tỷ lệ thu dưới 50% so với dự toán.
Đối với địa phương có kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng giải ngân còn thấp như TP HCM, bên cạnh vướng mắc chung về cơ chế, chính sách, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch thì sự chậm trễ chủ yếu do gặp khó khăn trong việc phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài.
Cùng với đó là một số nội dung liên quan đến thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành trung ương đang phối hợp tháo gỡ. Dự án Đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang hoàn thiện thủ tục để giải ngân nên cũng chưa thể đóng góp vào kết quả giải ngân chung của TP HCM.
Để đạt được kết quả giải ngân 95% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án, hoàn thiện hồ sơ thanh toán khối lượng để giải ngân nguồn vốn.