Nguồn: SSI

Gần đây, Gemadept đã tổ chức cuộc họp Chuyên viên Phân tích Q1/2025 tại TP.HCM với đại diện Ban lãnh đạo, đứng đầu là CEO Nguyễn Thanh Bình. Chúng tôi đưa ra một số điểm chính trong cuộc họp, và cung cấp cập nhật về ngành như sau.

Về cạnh tranh

Môi trường tăng tính cạnh tranh, đặc biệt tại khu vực miền Bắc là một trong những mối quan tâm chính của Gemadept trong năm 2025 và 2026. Khu vực cụm cảng Hải Phòng với nhiều công ty đang vận hành sẽ có 3 dự án cảng lớn được hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm 2025-2026, gây áp lực lên các công ty hiện hữu:

Lạch Huyện 3+4: có công suất đạt 1,2 triệu TEU/năm, với PHP là nhà đầu tư và MSC là đối tác chiến lược.

Lạch Huyện 5+6: có công suất đạt 1,5 triệu TEU/năm, với Hateco là nhà đầu tư và Maersk là đối tác chiến lược.

Nam Đình Vũ – Giai đoạn 3: có công suất đạt 600 nghìn TEU/năm, với Gemadept là chủ đầu tư.

Tổng công suất của 3 dự án cảng mới đạt 3,3 triệu TEU, tương đương 45% sản lượng qua cảng Hải Phòng trong năm 2024 là 7,3 triệu TEU. Với giả định tăng trưởng sản lượng đạt 8%/năm, cảng Hải Phòng sẽ mất 5 năm để nhu cầu bắt kịp với mức công suất mới, tạo nên rủi ro cạnh tranh về giá và sản lượng giữa các công ty trong những năm đầu.

Liên quan đến vấn đề này, Ban lãnh đạo khả quan rằng cảng Nam Đình Vũ vẫn sẽ giữ được khách hàng cũ và thu hút lượng khách hàng mới nhờ những lợi thế chính sau: chi phí logistics và phụ phí xử lý hàng hóa thấp hơn so với Lạch Huyện, kênh Hà Nam mới nâng cấp, giúp độ sâu luồng tốt hơn, dịch vụ logistics cải thiện, và vị trí nằm tại khu công nghiệp lớn. Gần đây nhất, cảng Nam Đình Vũ đã đón tuyến dịch vụ nội Á mới (thay thế cho tuyến dịch vụ MSC chuyển sang cảng Lạch Huyện 3+4). Hiện nay, cảng Nam Đình Vũ đang phục vụ khoảng 20 tàu/tuần, với sản lượng năm 2024 cao hơn 50% svck ở mức 1,3 triệu TEU, chiếm 18% thị phần hệ thống cảng Hải Phòng.