Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã tiết lộ thông tin cập nhật về tình hình phương án chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng yếu kém còn lại là GPBank và DongABank.

Trước đó,Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN sớm hoàn thiện phương án xử lý Ngân hàng SCB, đồng thời trình phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại là GPBank, DongABank trước ngày 20/12.

Thống đốc cho hay năm 2024, sau một thời gian dài, NHNN đã chính thức chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng còn hai ngân hàng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, vài ngày tới NHNN sẽ ban hành quyết định và tổ chức lễ chuyển giao.

Với trường hợp Ngân hàng SCB, NHNN đang triển khai tích cực, nhưng tình hình tái cơ cấu vô cùng khó khăn, do đó, rất mong được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương để tái cơ cấu được ngân hàng này.

Theo bà, để có thể tái cơ cấu được ngân hàng SCB trong quản lý nhà nước nói chung cũng như hoạt động ngân hàng nói riêng thì cơ sở dữ liệu có một vai trò rất là quan trọng.

Những động thái nói trên cho thấy những bước tiến lớn trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho cả ngân hàng được chuyển giao và ngân hàng nhận chuyển giao.

Trong giai đoạn trước, hệ thống có 4 ngân hàng trong diện tái cơ cấu và được kiểm soát đặc biệt gồm: Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).

Ngoài ra, còn có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.

Ngày 18/10/2024, CBBank đã chính thức được chuyển giao về với TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và OceanBank về với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Từ ngày 18/12/2024, OceanBank chính thức đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Việt Nam hiện đại, gọi tắt là MBV, là một thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn MB.

Cũng trong thời gian khá lâu trước đó, nhiều ngân hàng cổ phần lớn như VPBank và HDBank cũng đã trình cổ đông phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.

Cuối năm 2023,bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank, tiết lộ thông tin ngân hàng đã tham gia tái cơ cấu hệ thống và tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.

"Thời điểm hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàn nguồn lực. Ngay khi được chuyển giao, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc tái cơ cấu lại ngân hàng đó", bà Nhung nói.

Chia sẻ về lý do tham gia nhận chuyển giao tại đại hội đồng thường niên năm 2024, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đánh giá dưới góc độ tài chính, tham gia tái cơ cấu ngân hàng không được lợi nhưng lại có những điểm hấp dẫn khác như: tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trung bình ngành, mở room sở hữu nước ngoài bởi vì các nhà đầu tư nước ngoài cũng có mong muốn được nâng tỷ lệ sở hữu lên.

Vị này cho rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi nguồn lực cần thiết, kinh nghiệm và năng lực của VPBank có được trong 30 năm qua, ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ và NHNN giao phó, tái cơ cấu thành công ngân hàng được chuyển giao.

Còn tại HDBank, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết HDBank là một trong 4 ngân hàng được đánh giá có hoạt động lành mạnh và năng lực tài chính tốt được Chính phủ, NHNN lựa chọn để tham gia đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.

HDBank sẵn sàng nhận các nhiệm vụ hỗ trợ NHNN tái cấu trúc ngành. Khi tham gia chương trình này HDBank có cơ hội bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn.

HDBank cho rằng việc tham gia chương trình tái cơ cấu các TCTD sẽ giúp ngân hàng có đượccơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, từ đóbứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn.

"Khoảng 6-7 năm trước HDBank nhận được lời đề nghị từ phía NHNN thì chúng tôi đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc", bàNguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 4/2024.