Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới, nếu một hệ thống thuế lạc hậu và rườm rà chẳng khác nào “mạch máu” bị tắc nghẽn trong nền kinh tế – nó trở thành rào cản cho doanh nghiệp và kìm hãm năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mặt khác, để vươn mình mạnh mẽ trong bối cảnh đầy biến động, khó khăn, thách thức, chúng ta phải có một cơ chế thuế không chỉ phục vụ thu ngân sách mà còn phải thực sự coi trọng chức năng thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
“Thu đúng, thu đủ, dễ thu, dễ kiểm tra, dễ giám sát sẽ góp phần đánh giá đúng tiềm lực kinh tế, vị thế của đất nước, tránh được tiêu cực và thất thu ngân sách”, ông Cường nói.
Ba bất cập lớn nhất trong hệ thống thuế
Với thuế giá trị gia tăng (VAT), hiện có khoảng 160 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế này, coi đó như xương sống của nguồn thu ngân sách. Ưu điểm nổi trội của VAT nằm ở chỗ nó chỉ đánh trên phần giá trị tăng thêm ở mỗi khâu sản xuất, lưu thông. Người tiêu dùng cuối cùng mới là đối tượng chịu thuế, còn các doanh nghiệp ở khâu trung gian chỉ thực hiện vai trò "thu hộ" và được hoàn lại phần thuế đầu vào đã nộp.
Nhờ cơ chế khấu trừ – hoàn thuế này, VAT tránh được việc đánh thuế trùng lặp lên cùng một cơ sở hàng hóa, qua đó tạo ra sự công bằng tương đối giữa các loại hình kinh doanh.
Thế nhưng, chính điểm ưu việt đó lại dẫn đến những thách thức không nhỏ trong thực tiễn. Để vận hành đúng nguyên lý của VAT, mỗi doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất – phân phối buộc phải chứng minh minh bạch số thuế VAT đã nộp ở đầu vào và số VAT đã thu ở đầu ra, từ đó xác định phần chênh lệch phải nộp lại cho Nhà nước.
Quy trình này tạo ra một khối lượng công việc giấy tờ và thủ tục không hề nhỏ, khiến hệ thống VAT trở nên phức tạp và khó vận hành. Những năm gần đây đã xảy ra không ít vụ gian lận hoàn thuế VAT chấn động, khi một số doanh nghiệp cấu kết tạo giao dịch khống để chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Vì vậy, các cơ quan quản lý đưa ra các biện pháp siết chặt tuy ngăn chặn được kẻ gian lận lại vô tình đẩy những doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào thế khó. Nhiều doanh nghiệp đã nộp thuế đầu vào thật nhưng lại chật vật đòi hoàn thuế, bị "giam" một khoản tiền lớn trong thời gian dài. Hệ quả là không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất vốn lưu động, tiền đáng lẽ dành cho sản xuất kinh doanh thì bị tồn đọng tại cơ quan thuế.
Nhìn nhận những bất cập này, GS. Hoàng Văn Cường thẳng thắn cho rằng lỗi không nằm ở bản chất sắc thuế, mà nằm ở cách thức chúng ta vận hành nó. Vì lo sợ và để phòng chống gian lận, cơ quan quản lý đặt ra quá nhiều quy định ngặt nghèo và chính điều đó lại gây khó cho doanh nghiệp tuân thủ. Do vậy, để phát huy ưu điểm của VAT và khắc phục nhược điểm, Việt Nam cần thay đổi căn bản tư duy và cơ chế vận hành sắc thuế này.
Bên cạnh đó, bất cập lớn hơn là tình trạng thuế chồng thuế – khi một mặt hàng hoặc hành vi tiêu dùng bị điều tiết đồng thời bởi nhiều sắc thuế có chức năng tương tự.
Ví dụ như, xe ô tô nhập khẩu hiện không chỉ chịu thuế nhập khẩu, mà còn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục nộp thuế VAT, tính trên cả phần thuế tiêu thụ đặc biệt ấy. Điều này khiến giá trị chịu thuế bị đẩy cao lặp lại, gây cảm giác bất hợp lý cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Xăng dầu cũng cùng lúc chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Cả hai sắc thuế này đều nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng có hại, nhưng khi áp đồng thời mà không phân định rõ vai trò, chính sách sẽ trở nên thiếu minh bạch, làm mờ mục tiêu điều tiết thực chất.
"Cùng một hành vi nhưng bị nhiều sắc thuế điều tiết sẽ tạo ra cảm giác bất hợp lý, triệt tiêu cả mục tiêu quản lý lẫn động lực thị trường", GS. Cường bình luận.
Chi phí tuân thủ thuế cũng là một điểm nghẽn dai dằng có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hay nói cách khác, nó là một trong những nguyên nhân quan trọng để các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ "không chịu lớn".
Nếu hệ thống thuế không được đơn giản hóa, "vùng xám" ấy sẽ tiếp tục tồn tại – không vì trốn tránh nghĩa vụ, mà vì sợ không đủ khả năng tuân thủ đúng luật. Khi đó, chúng ta đánh mất cơ hội đưa các nguồn lực phi chính thức trở thành lực lượng sản xuất hợp pháp, minh bạch, bền vững.
"Khi chi phí tuân thủ thấp, doanh nghiệp sẽ không có động cơ lẩn tránh. Ngược lại, họ sẽ chủ động tham gia hệ thống để được bảo vệ và phát triển," GS. Cường khẳng định.
Cuộc "đại phẫu" ngành thuế
Để giải quyết những bất cập trên, GS Hoàng Văn Cường đề xuất một mô hình 3 lớp – với nguyên tắc cốt lõi là rạch ròi, đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra giám sát, minh bạch và phù hợp với thực tiễn, bao gồm phân định, đơn giản và số hóa.
Một là, thuế điều tiết hành vi phải tách bạch khỏi thuế nghĩa vụ. Cần phân định rõ sắc thuế nào để hạn chế hành vi (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường), sắc thuế nào để đảm bảo nghĩa vụ công dân (thuế VAT, thuế thu nhập). Mỗi sắc thuế cần xác định rõ mục tiêu và phạm vi áp dụng, tránh chồng lấn điều tiết lên cùng một đối tượng.
Hai là, cơ chế thu linh hoạt – nhiều phương án, một mục tiêu. Một sắc thuế có thể có nhiều cách tính để phù hợp với các nhóm doanh nghiệp khác nhau. Ví dụ, hộ kinh doanh nhỏ có thể áp dụng thuế khoán, còn doanh nghiệp lớn áp dụng kê khai chi tiết. Mục tiêu là tối ưu chi phí tuân thủ, chứ không phải "đồng phục hóa" cách nộp thuế.
Ba là, số hóa triệt để – từ nghĩa vụ thành tiện ích. GS Cường nhấn mạnh rằng, nếu làm đúng, hệ thống công nghệ thuế sẽ không chỉ là công cụ quản lý, mà là công cụ giúp doanh nghiệp quản trị. Ông đưa ra ví dụ, tại Estonia, 95% số doanh nghiệp nhỏ có thể tự nộp thuế nhờ nền tảng số hóa toàn diện – tiết kiệm hàng triệu USD chi phí xã hội mỗi năm.
Để cải tổ hệ thống thuế, trước hết cần nhìn nhận lại cấu trúc và cách thức vận hành hiện tại. Ông nhấn mạnh hệ thống thuế được cấu thành bởi hai yếu tố chính: (1) các sắc thuế cùng cơ chế xác định chúng; (2) bộ máy quản lý và thực thi các sắc thuế đó.
Vì vậy, cuộc "đại phẫu" ngành thuế phải tác động đồng thời đến cả "phần cứng" (chính sách, sắc thuế) lẫn "phần mềm" (cách thức vận hành). Trong đó, hệ thống thuế hiệu quả phải đảm bảo được ba chức năng cơ bản.
Thứ nhất, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Trong xu thế chung trên thế giới, tỷ trọng thu ngân sách dựa vào thuế và phí ngày càng chiếm phần lớn, do đó hệ thống thuế cần được thiết kế để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài thay vì tận thu nhất thời.
Thứ hai, bảm bảo công bằng và điều tiết kinh tế. Thuế phải là công cụ điều tiết vĩ mô, khuyến khích những hoạt động hiệu quả và chế tài những hoạt động kém hiệu quả. Doanh nghiệp hay người nộp thuế nếu làm ăn hiệu quả sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, còn nếu hoạt động kém thì sẽ chịu sự điều chỉnh bất lợi từ chính sách thuế. Nhờ đó, thuế tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện để phát triển tốt hơn.
Thứ ba, hội nhập thông lệ quốc tế. Hệ thống thuế hiện đại phải tương thích với các chuẩn mực quốc tế, tránh biến thuế thành rào cản thương mại trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Để cải cách triệt để về tư duy, GS. Hoàng Văn Cường cho rằng, cần đơn giản hóa các quy định. Ví dụ như thuế VAT thì cần đơn giản hoá quy định về hóa đơn, chứng từ đầu vào – tức là cải cách quy trình khấu trừ và hoàn thuế, cắt giảm những thủ tục không cần thiết. Song song đó, phải nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế: doanh nghiệp tự khai tự chịu, nếu gian dối sẽ bị xử lý nghiêm, nhưng cơ quan thuế cũng cần tin tưởng hơn vào sự tự giác của người dân và doanh nghiệp.
Quan trọng không kém và là xu hướng tất yếu, là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế. Một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại sẽ cho phép mọi giao dịch liên quan đến thuế được ghi nhận tức thời.
Tư duy vận hành chính là chìa khóa của cuộc cải cách hệ thống thuế. Từ câu chuyện VAT, thông điệp rút ra là: khi nhà quản lý thay đổi cách nghĩ, cách làm, lấy sự đơn giản, minh bạch và công bằng làm trọng, thì "mạch máu" thuế sẽ lưu thông khỏe khoắn, nuôi dưỡng toàn bộ nền kinh tế.
Một hệ thống thuế lý tưởng không chỉ nuôi ngân sách, mà còn cần phát huy vai trò điều tiết và khuyến khích, điều chỉnh hành vi, phân phối lại lợi ích, và khơi dậy động lực sáng tạo – đầu tư – sản xuất. Muốn vậy, cần tái cấu trúc toàn diện hệ thống thuế – từ tư duy đến vận hành – theo hướng công bằng, linh hoạt và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Mỗi chính sách thuế cần trả lời rõ: nó khuyến khích điều gì, cản trở điều gì? Nếu được thiết kế minh bạch, hợp lý và dễ tuân thủ, người dân và doanh nghiệp sẽ sẵn sàng nộp thuế và thuế sẽ trở thành đòn bẩy phát triển."Người dân chỉ sẵn sàng nộp thuế khi thấy công bằng, minh bạch. Doanh nghiệp chỉ phát triển khi hệ thống thuế không khiến họ nghẹt thở," GS. Cường nhấn mạnh.