Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 29/12 ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cách đây 5 năm, chuyển đổi số vẫn "rất mới" cả ở Việt Nam và trên thế giới.
Tuy nhiên đến nay, sau khi Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào năm 2020, Việt Nam đã trải qua chặng đường "vừa làm vừa khai phá" và đạt nhiều kết quả tích cực.
"Việt Nam vào nhóm nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, thương mại điện tử, chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào loại nhanh nhất khu vực và trên thế giới", ông nói.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, xếp hạng về thu nhập bình quân đầu người vào top 100 toàn cầu, trong khi xếp hạng hiện nay khoảng 120.
"Hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc top 50, cao gấp đôi xếp hạng kinh tế", ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng sau đó đưa ra các kết quả đạt được trong lĩnh vực hạ tầng số, công nghiệp, công nghệ số, đồng thời đặt mục tiêu cho 2030.
Trong đó, lĩnh vực bưu chính đang xếp hạng quốc tế thứ 31, đặt mục tiêu vào top 20; An toàn thông tin xếp thứ 17, đặt mục tiêu top 10; viễn thông xếp hạng 72, tăng 36 bậc sau 6 năm và đặt mục tiêu top 50; hạ tầng dữ liệu đang top 60, hướng tới top 30 toàn cầu sau khi thu hút được các Big Tech thế giới và doanh nghiệp trong nước tăng đầu tư.
Về công nghiệp công nghệ số, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho biết Việt Nam đang có thứ hạng cao ở 5 mặt hàng công nghiệp công nghệ số, gồm: thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh; thứ 5 về xuất khẩu linh kiện máy tính; thứ 6 về xuất khẩu thiết bị máy tính; thứ 8 về thiết bị, linh kiện điện tử; thứ 7 về gia công phần mềm.
"Xét tổng thể, ngành công nghiệp công nghệ số, xét cả khía cạnh tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu, Việt Nam đã vào top 20", ông nói và cho biết "phấn đấu vào top 15 toàn cầu và tăng tỷ trọng giá trị Việt Nam từ 32% lên 50% vào năm 2030".
Về kinh tế số, ông Hùng cho biết Việt Nam đang xếp thứ 41 về tỷ trọng Kinh tế số/GDP và "tăng thứ hạng khá nhanh". Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam gần 19%, năm 2025 sẽ đạt và vượt mục tiêu 20%, đặt mục tiêu 30-35% GDP vào năm 2030.
Về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, năm 2024 Việt Nam tăng 15 hạng lên xếp thứ 71 thế giới, hướng tới top 40 vào năm 2030.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vào năm 2030, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, chuyển đổi số của Việt Nam sẽ vào top 50 toàn cầu, trong đó một số lĩnh vực vào nhóm 20-30.
"Cần đi trước, đi nhanh, vào nhóm nước phát triển, để tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển đất nước", ông nói.
Nhắc đến Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12, trong đó xác định Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số là ba trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam.
Ông cho biết sẽ cần các doanh nghiệp nòng cốt làm những dự án lớn về chuyển đổi số, đồng thời làm chủ công nghệ chiến lược để vừa làm chủ tiến trình, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn.
Hội nghị tổng kết năm của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra trong bối cảnh Bộ này sẽ hợp nhất cùng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Sau hơn hai giờ theo dõi báo cáo cũng như tham luận, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao các kết quả ngành Thông tin và Truyền thông đạt được, nhưng cũng lưu ý cần nhìn nhận thách thức, đặc biệt khi công nghệ đang phát triển nhanh chóng, đòi hỏi hoàn thiện cơ chế chính sách nhanh nhất để phát huy nguồn lực của Việt Nam.
Nhắc đến một số vụ lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng trên không gian mạng thời gian qua, các giải pháp như chữ ký số đang được triển khai nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc phải đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi của người dùng trên không gian số và lĩnh vực này "phải đi nhanh, đi trước đón đầu".
Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, tình trạng thông tin xấu độc được ông Phớc ví như "những con mối gặm nhấm mỗi ngày một chút", lâu ngày có thể làm xói mòn niềm tin, vì vậy cần ngăn chặn ngay thông qua biện pháp về công nghệ, pháp luật và ngoại giao.
Với các mục tiêu được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đưa ra, Phó Thủ tướng cũng đánh giá "muốn có nền kinh tế số phải có công nghệ số, công nghiệp số hiện đại", đồng thời hoàn thiện thể chế, pháp luật, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy.
"Thời gian tới, rất mong Bộ phát huy kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghiệp số, ứng dụng AI, góp phần thực hiện mục tiêu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước", ông Phớc nói.