Tăng trưởng trong bất định
Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên bên cạnh mức tăng trưởng hai con số, ngành tôm đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt từ thị trường Mỹ – nơi đang dự kiến áp dụng chính sách thuế đối ứng và thuế chống bán phá giá với mức cao chưa từng có.
Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là mức cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu thủy sản vào Mỹ, vượt xa mức thuế với Ecuador (10%), Ấn Độ (26%), Thái Lan (36%).
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hôm 21/6, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho biết mức thuế đối ứng mà Mỹ đưa ra đang là bài toán lớn đối với Việt Nam.
“Mỹ áp thuế đối ứng với các nước trên thế giới không đáng lo bởi nước này không sản xuất đủ tôm cho nội địa, buộc phải nhập khẩu. Khi họ áp thuế thì người dân buộc phải trả với giá cao hơn. Nhưng điều đáng lo nhất là mức thuế của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước đối thủ”, ông Quang nói.
Năm nay, nhà xuất khẩu tôm này đặt mục tiêu sản lượng 60.000 tấn với doanh thu dự kiến hơn 15.667 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trên 1.091 tỷ và lợi nhuận sau thuế 997 tỷ đồng.
Đây là kế hoạch khá tham vọng khi so sánh với mức lỗ khủng hàng trăm tỷ đồng của hai năm trước đó 2023-2024. Minh Phú thường đặt mục tiêu cao, như năm 2024 công ty đặt kế hoạch lãi kỷ lục 1.265 tỷ đồng nhưng thực tế lại lỗ nặng 191 tỷ đồng.
“Nhiều nhà đầu tư thắc mắc liệu rằng năm nay Minh Phú có đạt kế hoạch hay không. Đến giờ này, chúng tôi khẳng định là có thể đạt. Nhưng thuế đối ứng của Mỹ đang là lực cản lớn”, ông Quang nói thêm.
Theo VASEP, hàng hoá của Việt Nam bị áp mức thuế 46%, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ giảm mạnh. Đây là thị trường chiếm hơn 18% tổng giá trị thủy sản xuất khẩu. Riêng mặt hàng tôm, Mỹ chiếm 17,2%, đứng thứ hai các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm.
“Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của 4 triệu lao động trong chuỗi cung ứng ngành tôm và cá tra. Gây áp lực cạnh tranh tại các thị trường khác do chuyển hướng xuất khẩu, kéo giảm giá bán và lợi nhuận toàn ngành. Và làm tăng nguy cơ phá sản với doanh nghiệp nhỏ do tồn kho, chi phí lưu kho lạnh, lãi suất tăng cao”, VASEP cho biết.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ Thường niên CTCP Sao Ta (Mã: FMC) diễn ra hôm 18/4, lãnh đạo công ty cho biết hiện đang tập trung chế biến giao hàng các hợp đồng đã ký để tranh thủ đợt hoãn thuế 90 ngày. Năm ngoái, doanh số tại Mỹ của Sao Ta là 80 triệu USD, tương đương chiếm khoảng 33% trong cơ cấu doanh thu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng chia sẻ tỷ suất lợi nhuận khi bán hàng sang thị trường Mỹ rất thấp. Trong khi đó, nếu kịch bản xấu nhất là mức thuế đối ứng 46% không thay đổi thì sức cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ (26%) hay Ecuador (10%) thì sức cạnh tranh như bị triệt tiêu. Mức thuế đối ứng cao nhất mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được là 20% các đối thủ lớn cũng ở quanh mức này.
“Vấn đề không phải là thuế cao hay thấp mà là tương quan mức thuế giữa Việt Nam và các nước đổi thủ”, đại diện công ty cho biết.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta, mới đây cho biết kỳ vọng một kết quả đàm phán tích cực đối với ngành thực phẩm nói chung và thuỷ sản nói riêng bởi đây là những phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, khác với các hàng hoá mang tính chất công nghệ, có thể ảnh hưởng đến sản phẩm nội địa tương đồng với Mỹ.
“Mặt khác trong hàng ngàn tỷ USD hàng hóa thế giới bán vào Mỹ, doanh số tôm của Việt Nam tại thị trường này không tới tiền tỷ USD, thiết nghĩ không phải là sản phẩm cần đối phó, ngăn chặn thông qua công cụ thuế. Suy nghĩ vậy chút lạc quan, để trước mắt tập trung cho chế biến sản phẩm kịp thời giao hàng để tới cảng Mỹ trước hạn hoãn thuế (9/7)”, ông Lực cho biết.
Mức thuế chống bán phá giá cao chưa từng có
Bên cạnh thuế đối ứng, doanh nghiệp xuất khẩu tôm còn đối diện với cú sốc thuế chống bán phá giá. Ngày 7/6, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả sơ bộ kỳ rà soát lần thứ 19 (POR19) với nhiều bất ngờ: Công ty Thông Thuận được áp thuế 0%, xác định không bán phá giá. Công ty STAPIMEX và 22 doanh nghiệp khác: bị áp mức thuế 35,29% – mức cao nhất trong 19 kỳ rà soát.
Đáng chú ý, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) không áp mức thuế trung bình gia quyền giữa hai bị đơn bắt buộc như thông lệ, mà áp thẳng mức thuế cao lên cả nhóm. VASEP cho rằng việc này là bất thường và thiếu khách quan.
"Trong suốt 19 năm Việt Nam tham gia các kỳ rà soát hành chính của vụ kiện CBPG tôm tại Mỹ, chưa từng có doanh nghiệp nào bị áp thuế sơ bộ ở mức hai con số", hiệp hội cho biết.
Điều này gợi nhớ đến trường hợp từng xảy ra ở kỳ POR12, khi DOC cũng áp mức thuế sơ bộ 25,76% cho Công ty FIMEX do lỗi tính toán và sau đó điều chỉnh còn 4,58% trong kết quả cuối cùng.
VASEP tin rằng đã có sự nhầm lẫn, sai sót trong kết quả lần này. Do đó, hiệp hội đang yêu cầu DOC rà soát lại phương pháp tính toán, đảm bảo đúng quy trình và thông lệ quốc tế. Dự kiến kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 12 năm nay.
Hiện tại, Minh Phú là doanh nghiệp xuất khẩu tôm duy nhất được Mỹ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá.
VASEP đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp, Tài chính tăng cường đàm phán với phía Mỹ, nhấn mạnh vai trò của ngành thủy sản Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực của chính sách thuế đến quan hệ thương mại Việt – Mỹ.