Tốc độ mở cửa hàng của Starbucks
Starbucks gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2013, mang theo văn hóa cà phê đặc trưng của mình bằng việc mở cửa hàng đầu tiên tại ngã sáu Phù Đổng (quận 1, TP HCM). Tại thời điểm ra mắt, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn rằng hãng cà phê đến từ Mỹ có chiến lược ra sao để thành công tại quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới.
Để thành công, Starbucks không bỏ sót bất cứ tệp khách hàng nào thông qua việc thể hiện menu (danh sách đồ uống – PV) đa dạng. Hãng có cappuccino cho người quen uống espresso, Dolce Misto phù hợp với khẩu vị người Việt hay một ly đá xay cho giới trẻ.
Ngoài kinh doanh cà phê, hãng đồ uống đến từ Mỹ còn cung cấp các dịch vụ đi kèm như bán cốc, ly giữ nhiệt mang tính cá nhân hoá. Hay bán các bộ sưu tập vật dụng theo chủ đề trong những dịp lễ như giáng sinh, halloween, năm mới, lập xuân, chào hè…
Kết quả, sau 10 năm chinh chiến tại thị trường Việt Nam, Starbucks khai trương cửa hàng thứ 100 tại Lotte Mall Hồ Tây vào tháng 9/2023. Tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam khi đó nhấn mạnh: "Đây là một cột mốc đặc biệt với chúng tôi và thể hiện được sự cam kết khi có thể mang trải nghiệm cà phê đến với nhiều khách hàng hơn mỗi ngày".
Còn tính đến cuối năm nay, Starbucks đã mở 125 cửa hàng tại 16 tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Hải Phòng, Huế… Như vậy, số cửa hàng Starbucks hiện chỉ đứng sau một số ông lớn trong ngành như Highlands Coffee (800 cửa hàng), Phúc Long (176 cửa hàng) và bỏ xa các chuỗi như The Coffee House, Katinat…
Trong một chia sẻ với chúng tôi, đại diện Starbucks Việt Nam hé lộ trong năm 2025, hãng sẽ hiện diện tại một số tỉnh, thành phố mà chưa có cửa hàng Starbucks. Song, các địa phương mà Starbucks dự kiến xuất hiện không được chia sẻ chi tiết.
Bên cạnh đó, hãng sẽ mở thêm mô hình Reserve tại TP HCM trong năm sau. Còn tại TP HCM và Hà Nội sẽ có những cửa hàng đặc biệt, khác so với cửa hàng thông thường và Reserve.
Về mặt kinh doanh, số liệu từ Vietdata cho thấy doanh thu của chuỗi F&B này tăng 87% vào năm 2022 và 28% vào năm 2023 - đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm do ảnh hưởng từ biến động giá nguyên vật liệu và biên lợi nhuận thấp tại các điểm bán mới.
Những toan tính mới của Starbucks
Mới đây, Starbucks Việt Nam xác nhận hãng đã tìm được mặt bằng mới cho cửa hàng Reserve sau khi rời căn nhà 13 Hàn Thuyên (quận 1, TP HCM). Vị trí cửa hàng dự kiến nằm ở Bitexco (quận 1) và ra mắt trong nửa đầu năm sau.
Vị trí mới của Starbucks ở mặt bằng ngay mặt tiền Bitexco (quận 1), thay thế cho cửa hàng Adidas hiện tại. Toàn bộ cửa hàng này có diện tích 256 m2, giá thuê trung bình từ 150 USD/m2 mỗi tháng. Như vậy, Starbucks có thể sẽ phải trả gần 980 triệu đồng mỗi tháng, theo Znews.
Starbucks Reserve tại 13 Hàn Thuyên từng là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân TPHCM, bao gồm cả khách du lịch nhờ có view đẹp mắt, nằm tại vị trí trung tâm và có đồ uống đặc biệt.
Nguyên nhân khiến Starbucks trả mặt bằng Hàn Thuyên do hết hạn hợp đồng và không thương lượng được giá cũ. Một số nguồn tin cho biết, chủ căn nhà đã tăng giá từ 600 triệu/tháng lên 750 triệu/tháng khiến hãng đồ uống đến từ Mỹ phải nói lời “chia tay” sau 7 năm gắn bó.
Vì thế, thông tin Starbucks chuyển đến Bitexco với giá thuê cao hơn vị trí ở Hàn Thuyên tạo ra nhiều quan điểm trái chiều trên mạng xã hội. Một số ý kiến cho rằng, phải chăng đây là chiến dịch quảng cáo của hãng đồ uống đến từ Mỹ.
Bình luận về vấn đề này, ông Minh Phan, Co-Founder Site Plus, chuyên gia phát triển cửa hàng, cho rằng, với hơn 38.000 cửa hàng trên toàn cầu, Starbucks không phải tay mơ trong việc chọn mặt bằng. Để có hàng chục nghìn cửa hàng đang hoạt động thì số cửa hàng họ từng đóng cửa cũng không ít.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, việc chọn điểm bán không phải theo sở thích, đây là một quá trình tìm hiểu và đánh giá, dựa trên "mô hình chiến thắng" với các tiêu chí cụ thể. Đối với những chuỗi lớn như Starbucks, họ đã tính toán kỹ lưỡng rồi mới quyết định, chứ không phải làm bừa.
Theo ông Minh Phan, không nên cứng nhắc quá về chi phí thuê mặt bằng vì mặt bằng tốt thì giá cao. Quan trọng là phải cân bằng được bài toán chi phí và doanh thu. Mà khi đã đặt bút ký hợp đồng thuê mặt bằng thì cần phải tính toán xem cửa hàng bán được bao nhiêu, lời hay lỗ. Đây là cái mà chủ doanh nghiệp cần phải biết và tính được.
Vị chuyên gia cho rằng, Starbucks chi gần 1 tỷ mỗi tháng thuê mặt bằng ở Bitexco chắc chắn là có lý do. Vì nơi đó có vị trí đẹp, không gian sang chảnh, thu hút khách hàng du lịch, văn phòng, giới trẻ đến tụ tập và cũng có thể là những bước đi có tính chiến lược về địa điểm của hãng trong những năm tiếp theo của hãng tại thị trường Việt Nam.