Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra vào 23/6, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã nêu hai ví dụ điển hình về sản xuất hàng giả tại Việt nam.

“Đến nay, toàn lực lượng đã khởi tố 124 vụ với 297 bị can; riêng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 vụ, hơn 100 bị can, thu giữ số hàng giả trị giá hơn 12.000 tỷ đồng. Công an địa phương xử lý hành chính gần 1.000 vụ, thu phạt trên 15 tỷ đồng.

Nổi bật là hai hệ sinh thái doanh nghiệp vi phạm lớn: Z Holding và Big Holding. Z Holding bị xác định đã bán gần 7.000 tỷ đồng hàng giả; Big Holding khoảng 4.000 tỷ đồng.

Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng đã làm giả phiếu kết quả kiểm nghiệm hoặc thông đồng với các đơn vị kiểm nghiệm cung cấp các kết quả khống, câu kết móc nối với các cơ quan nhà nước để tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP cho các nhà máy sản xuất”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nêu cụ thể.

Mấy ngày gần đây, cái tên Z Holding với sản phẩm chủ lực là ‘sữa giả Hiup’ cùng chủ mưu là Hoàng Quang Thịnh – Founder của F99 đã xuất hiện liên tục trên truyền thông; ngược lại, cái tên Big Holding ít được đề cập hơn. Vậy Big Holding là ai và sản xuất - buôn bán sản phẩm giả gì để có thể thu về được tới 4.000 tỷ đồng?

‘Ngòi nổ’ từ sản phẩm ‘Siro ăn ngon Hải Bé’

Mọi chuyện bắt đầu vào giữa tháng 6, khi Bộ y tế khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng ‘Siro ăn ngon Hải Bé’. Trước đó, Trần Đại Phúc - Giám đốc Công ty TNHH Hải Bé và Lê Văn Hải (chủ tài khoản mạng xã hội Tiktok “Gia đình Hải Sen”), đồng sáng lập Công ty; đã bị các cơ quan chức năng khởi tố.

Kết quả giám định đối với các chỉ tiêu chất lượng của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ ‘Siro ăn ngon Hải Bé’ – sản phẩm do Công ty TNHH Hải Bé công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm xác định: các chất gồm Vitamin A, Calci, Vitamin C (chất chính tạo nên công dụng của sản phẩm) chỉ đạt dưới 70% so với công bố.

Do đó, 2 cá nhân trên đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố theo quy định tại khoản 1, Điều 193, Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2024 đến nay, Hải cùng một số cá nhân bán hơn 800.000 sản phẩm, riêng mặt hàng "Siro ăn ngon Hải Bé" đã bán với số lượng trên 100.000 hộp sản phẩm. Giá bán lẻ "Siro ăn ngon Hải Bé" là từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng/hộp.

Lần theo dấu vết, thì ‘Siro ăn ngon Hải Bé’ được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Bigfa (địa chỉ: Khu công nghiệp Lương Sơn, Km36 - QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Thông tin trên Tiền Phong vào tháng 11/2024 cho biết: Trong suốt 6 năm qua, nhà máy Bigfa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như hợp tác với hơn 750 doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển thành công hơn 2.300 nhãn hàng và đưa hàng triệu sản phẩm chất lượng ra thị trường.

Còn trên trang website, Bigfa cho hay mình có vốn điều lệ gần 300 tỷ đồng, doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP - CGMP trên diện tích 11.800m2. Trong đó, xưởng sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe là 3.800m2 và xưởng sản xuất mỹ phẩm là 1.800m2. Ngoài gia công cho các thương hiệu, Bigfa còn tự sản xuất sản phẩm để bán.

Công ty cổ phần Bigfa thành lập vào tháng 12/2018. Doanh nghiệp đăng ký gần 40 ngành nghề kinh doanh.

Tại thời điểm thành lập, vốn điều lệ doanh nghiệp ở mức 40 tỷ đồng. Thành phần cổ đông sáng lập gồm 1 công ty và 4 cá nhân.

Trong đó, ông Phạm Văn Quảng (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) góp 6 tỷ đồng (tương đương 15%) và ông Lê Văn Trung (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) góp 10 tỷ đồng (tương đương 25%), bà Lê Thị Thu Hằng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) góp 7 tỷ đồng (tương đương 17,5%) và bà Vũ Thị Thu Hằng (huyện Đông Hưng, Thái Bình) góp 5 tỷ đồng (tương đương 12,5%).

Cổ đông lớn nhất là Công ty cổ phần đầu tư One Big Dream Việt Nam (trụ sở quận Thanh Xuân, Hà Nội) với 12 tỷ đồng (tương đương 30%).

Thời gian qua, Công ty cổ phần Bigfa đã nhiều lần thay đổi thông tin về vốn điều lệ. Trong đó, ở lần thay đổi vào tháng 12/2020, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 170 tỷ đồng, cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được công bố chi tiết. Hiện nay, bà Phùng Thị Ngân sinh năm 1992 giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Quy mô của hệ sinh thái Big Holding

4 cá nhân sáng lập nói trên của Bigfa còn cùng nhau sáng lập nhiều doanh nghiệp khác như Big Holding, Vicozy, Tohano Việt Nam…

Trong đó, ông Phạm Văn Quảng sinh năm 1987 là lãnh đạo và người đại diện của một loạt doanh nghiệp khác gồm Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Big Holding, Công ty TNHH Tohano Việt Nam và Công ty TNHH đầu tư và thương mại Vicozy.

Big Holding có tiền thân là Công ty TNHH thương mại và đầu tư ngôi sao lớn, được thành lập tháng 7/2019 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Tháng 3/2020, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Big Holding vốn điều lệ giữ nguyên là 20 tỷ đồng, cơ cấu góp vốn cũng thay đổi lên thành 4 cá nhân gồm Lê Văn Trung góp 17,4 tỷ đồng; Lê Thị Thu Hằng góp 1,4 tỷ đồng; Phạm Văn Quảng góp 800 triệu đồng và Vũ Thị Hằng góp 400 triệu đồng.

Kể từ khi thành lập đến nay, Big Holding đã nhiều lần thay đổi vốn điều lệ. Thời điểm tháng 10/2022, vốn điều lệ doanh nghiệp tăng mạnh lên 495,2 tỷ đồng, cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được công bố chi tiết. Ông Phạm Văn Quảng giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Big Holding có công ty con tên là Công ty Cổ phần Thương mại – Dược phẩm Bigfam với chuỗi nhà thuốc nhượng quyền Big Family; người đại diện là Cao Xuân Thoại. Cao Xuân Thoại cũng đang là người đại diện của một công ty khác tên Công ty Cổ phần Du lịch Big Travel.

Nhiều khả năng, Big Holding chính là công ty mẹ quản lý tất cả các công ty con như Bigfa – Bigfam – Big Family…

Tohano Việt Nam được thành lập tháng 6/2019 với vốn điều lệ ban đầu 1 tỷ đồng và 34 ngành nghề đăng ký kinh doanh. Thời điểm tháng 6/2022, doanh nghiệp có vốn điều lệ 2 tỷ đồng, trong đó ông Pham Văn Quảng góp 1,4 tỷ đồng, tương đương 70% vốn góp, ông Lê Huy Toàn góp 600 triệu đồng tương đương 30% vốn góp.

Vicozy thành lập tháng 2/2021 với vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Quảng giữ vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp này hiện không hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thì Vicozy chuyên phân phối các sản phẩm đồ điện gia dụng và sức khỏe, trong khi Tohano Việt Nam bán thực phẩm chức năng – thực phẩm dinh dưỡng.

Big Holding – Bigfa đã nhiều lần vi phạm pháp luật trong quá khứ

Lần tìm thông tin trong quá khứ, thì đây không phải là lần đầu sản phẩm – công ty con trong hệ sinh thái Big Holding bị các cơ quan nhà nước đưa vào tầm ngắm.

Vào tháng 12/2021, Cục An toàn thực phẩm cũng đã phát một cảnh báo cho Bigfa về dòng sản phẩm ‘Siro khiết hầu đan’ do doanh nghiệp này sản xuất có vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Vào tháng 3/2022, Tohano Việt Nam tập trung phân phối thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên sủi Toha Fast và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Toha Fast với quảng cáo là “sản phẩm ứng dụng thành công công nghệ siêu vi Nano, chiết xuất từ thảo dược hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý về sỏi”. Sản phẩm Toha Fast được sản xuất tại Bigfa.

Sau đó Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo tới Tohano Việt Nam vì quảng cáo không đúng sự thật, khiến người tiêu dùng nghĩ rằng ‘Toha Fast là thuốc đặc biệt chữa bệnh sỏi thận vô cùng hiệu quả’.

Vào tháng 3/2023, Sở Y tế Hà Nội đã ra hàng loạt quyết định rút giấy phép kinh doanh của các nhà thuốc thuộc chuỗi thương hiệu Big Family do vi phạm không đủ điều kiện kinh doanh và kinh doanh quá phạm vi được cấp phép.

Lúc đó, các thông tin quảng cáo, giới thiệu trên website của Bigfam cho biết: công ty này đang có gần 1.000 cửa hàng thuốc trên toàn quốc, riêng tại Hà Nội, có gần 100 nhà thuốc nằm rải rác khắp các quận, huyện.

Ngày 21/4/2023, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-XPHC, quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần dược phẩm quốc tế Taphaco với 2 hành vi vi phạm: quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ NutriZabet gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh và quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Tổng số tiền công ty bị xử phạt là 75 triệu đồng.

Vào ngày 24/4/2023, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế có Văn bản số 872/ATTP-PCTTR, về việc bổ sung thông tin gửi Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), đề nghị xử lý nhóm giả mạo chuyên gia tổ chức bán thực phẩm chức năng có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Văn bản được gửi đồng thời tới Giám đốc Công an TP Hà Nội và Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội.

Trước đó, báo Lao Động có loạt bài phản ánh nhóm đối tượng giả mạo chuyên gia tổ chức tư vấn bán thực phẩm chức năng (sản phẩm NutriZabet) có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Nhóm này có tên Big Holding, hoạt động tại Hầm B1, tòa R4, Royal City, 72 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Tức là Big Holding mới là người đứng đằng sau thao túng, còn Taphaco chỉ là vỏ bọc.

Có thể thấy, Big Holding đầu tư lớn và hoạt động bài bản theo quy mô của một hệ sinh thái từ sản xuất đến tiêu dùng hiện đại, với vùng trồng dược liệu – nhà máy sản xuất hóa dược phẩm quy mô lớn – hệ thống phân phối đa kênh; chỉ là thay vì làm đúng như công bố để phát triển bền vững, thì Big Holding lại làm ăn gian dối từ sản xuất cho đến bán hàng.

4.000 tỷ đồng doanh thu của hệ sinh thái Big Holding không chỉ đến từ sản phẩm 'Siro ăn ngon Hải Bé’, mà đến từ Toha Fast, 'Siro khiết hầu đan', các sản phẩm giả phân phối qua nhà thuốc Big Family, các kênh TMĐT….và kéo dài trong hơn 6 năm.