Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của Công ty CP Rạng Đông rộng hơn 62 ha, được xem là "siêu dự án" có vị trí đắc địa nhất thành phố Phan Thiết.

Dự án nằm bên bờ biển dài hơn 1,2 km, liền với bãi tắm Đồi Dương nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận và nằm ngay ngã tư hai trục đường chính Nguyễn Tất Thành – Tôn Đức Thắng khang trang nhất thành phố. Tại đây có hệ thống giao thông đồng bộ thuận lợi, kết nối các trục đường xung quanh dẫn đến các khu hành chính, thương mại dịch vụ, văn hóa, giải trí, ga tàu, bến xe... giúp người dân và du khách thuận lợi trong việc đi lại, tham quan, nghỉ dưỡng.

Công viên Hòa Bình tại trung tâm Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết - nơi có biểu tượng chim bồ câu trắng bay trên quả địa cầu, trưa 31/12/2024.

Theo quy hoạch chi tiết, khu đô thị biển này có hơn 1.500 lô đất xây biệt thự, nhà liền kề, nhà cao tầng, với quy mô dân số khoảng 10.000 người. Trong đó, khoảng 6.000 người sinh sống ổn định và 4.000 du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Dự án này là nơi xảy ra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí mà ông Lê Tiến Phương, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, và 16 người khác sắp bị đưa ra xét xử.

Những người này gồm: ông Nguyễn Ngọc, cựu phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Xà Dương Thắng, cựu giám đốc Sở Xây dựng; Hồ Lâm, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Thanh Cho, cựu chi cục trưởng quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2015, ông Lê Tiến Phương cùng các đồng phạm đã thẩm định, xây dựng phương án và phê duyệt giá đất tại dự án này là hơn 2,5 triệu đồng/m2 - trái quy định pháp luật; gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 308 tỷ đồng.

Khu đất đô thị này trước đây từng là một sân golf tiêu chuẩn quốc tế mang tên "Ocean Dunes Golf Club" của Công ty Regent International Overseas Corp (Hong Kong), được Chính phủ đồng ý đầu tư xây dựng năm 1993 trên quy mô hơn 62 ha tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, thời gian hoạt động đến 50 năm.

20 năm sau, tháng 9/2013, Công ty CP Rạng Đông đã mua lại toàn bộ cổ phần tại dự án này để tiếp tục đầu tư, vận hành sân golf. Nhưng chỉ 3 tháng sau, doanh nghiệp này gửi văn bản xin chính quyền tỉnh Bình Thuận xóa sân golf, chuyển mục đích sử dụng đất thể dục thể thao sang đất ở đô thị.

Chính quyền tỉnh Bình Thuận sau nhiều cuộc họp và xin chủ trương đã cho phép Công ty CP Rạng Đông chuyển đổi từ sân golf sang khu đất ở đô thị với mục tiêu xây dựng một đô thị ven biển xanh, đẹp và hiện đại, làm điểm nhấn của thành phố Phan Thiết. Đồng thời, đây cũng là khu đô thị mở cho phép mọi người dân cũng như du khách đến địa phương có quyền hưởng thụ các dịch vụ, tiện ích công cộng và không gian biển của khu đô thị mới.

Trong ảnh là khách sạn Ocean Dunes hiện vẫn tồn tại trong khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Khi chuyển đổi sân golf thành khu đô thị, khách sạn này được chủ đầu tư giữ lại để tiếp tục kinh doanh lưu trú.

Trục đường kề biển nối công viên Đồi Dương - vòng xoay tượng đài Lý Thường Kiệt - biển Thanh Hải, hiện là nơi có giá đắt đỏ nhất, vì có view hướng biển gần nhất, đường rộng hơn 18 m.

Thời điểm đó, sau khi Thủ tướng đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, ngày 16/4/2015, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tỷ lệ 1/500 với cơ cấu: hơn 363.500 m2 đất ở kết hợp thương mại dịch vụ; còn lại là đất công cộng, công trình giao thông, công viên, cây xanh... và không bố trí 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Phương cũng ký quyết định cho phép chuyển mục đích hơn 363.500 m2 đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao sang đất ở đô thị; giao Sở Tài nguyên và Môi trường luân chuyển hồ sơ để xác định nghĩa vụ tài chính.

Cáo trạng xác định, từ đây, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận và các cán bộ tại các sở ngành, đơn vị liên quan đã thực hiện các hành vi vi phạm trong việc xây dựng, thẩm định phương án giá đất và phê duyệt giá đất cụ thể, để tính tiền sử dụng đất tại dự án này, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Để thực hiện quy trình xây dựng phương án tính giá đất, Chi cục Quản lý Đất đai – Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận đã ký hợp đồng nguyên tắc tư vấn – dịch vụ thẩm định giá với Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam.

Nhưng trong quá trình xác định giá đất, đơn vị tư vấn đã thực hiện không đúng quy định, nguyên tắc của phương pháp thặng dư. Trong đó có việc sử dụng 5/9 tài sản so sánh không đủ điều kiện làm tài sản so sánh để ước tính giá các lô đất nhà liền kề, biệt thự tại dự án; tính chung giá đất nhà cao tầng như đất biệt thự, nhà liền kề...

Cơ quan điều tra xác định, sau nhiều lần rà soát, chỉnh sửa, các bị can tại Sở Tài nguyên Môi trường và Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh vẫn thống nhất với việc xác định giá đất trái nguyên tắc phương pháp thặng dư của Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam với giá đất được tính là hơn 2,5 triệu đồng/m2.

Tượng đài Lý Thường Kiệt ở khu đất xây lâu đài và biệt thự trong khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, bên dưới đế tượng có khắc bài thơ Nam Quốc Sơn Hà.

Ngày 27/10/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức họp cho ý kiến về phương án giá đất tại dự án, trong đó có yêu cầu UBND tỉnh lưu ý 3 nội dung. Tuy nhiên, công ty tư vấn thẩm định giá, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng thẩm định giá sau đó vẫn thống nhất tham mưu giữ nguyên kết quả tư vấn thẩm định giá đất cũ trái quy định.

Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Lê Tiến Phương với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất, biết rõ việc sai phạm này nhưng ngày 25/11/2015 vẫn thống nhất, ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể, tính tiền sử dụng đất đối với diện tích hơn 363.500 m2 tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết là 936,8 tỷ đồng - tương đương hơn 2,5 triệu đồng/m2 trái quy định pháp luật.

Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Chính phủ, thời điểm đó khu đất này có giá gần 1.574 tỷ đồng, nên số tiền chênh lệch là hơn 617 tỷ. Sau khi tính toán các chỉ tiêu tốc độ tăng giá, thời gian bán hàng và tỷ lệ bán hàng hằng năm chênh lệch hơn 308 tỷ đồng - là thiệt hại trực tiếp từ hành vi phạm tội của các bị can.

Từ tháng 3-7/2017, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký cấp 1.520 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên tổng diện tích hơn 636.500 m2 đất ở đô thị tại dự án cho Công ty TNHH khu đô thị phố biển Phan Thiết (thuộc Công ty Rạng Đông) với từng thửa đất theo bản đồ quy hoạch 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt để chủ đầu tư chuyển nhượng cho khách hàng mua đất.

Sau khi làm hạ tầng đường sá, giá khởi điểm tại đây được bán 20-40 triệu đồng/m2 tùy vị trí; đến nay đã lên 40-80 triệu đồng/m2. Các lô đất nằm trên các trục đường lớn có view biển luôn đắt hơn các lô ở các trục đường nhỏ bên trong gần khu dân cư cũ.

Trong ảnh là một tòa nhà lâu đài trên trục đường lớn kề vòng xoay tượng đài Lý Thường Kiệt đang tạm dừng thi công. Đây được xem là một trong những vị trí đẹp nhất dự án.

Một chốt đèn giao thông trong khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Bình Thuận, ngày 31/12/2024.

Đến nay, dự án đã hoàn thành đường giao thông, vỉa hè lát đá xanh, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thoát nước, cấp điện, công viên cây xanh, trường mầm non, nhà khu phố... như quy hoạch đã được duyệt.

Theo cơ quan điều tra, đến nay chủ dự án đã chuyển nhượng hơn 248.600 m2; còn lại gần 115.000 m2 chưa chuyển nhượng.

Trong khu này vẫn còn nhiều lô đất bỏ trống, cỏ mọc đầy.

Theo đề nghị của Bộ Công an, hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã cho tạm dừng giao dịch đối với quyền sử dụng các lô đất ở đô thị tại dự án này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết và Công ty CP Rạng Đông.

Ngoài ra, dự án còn bị phát hiện không bố trí 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội. Cơ quan điều tra xác định đây là do việc bố trí không phù hợp mục tiêu đầu tư xây dựng dự án theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận. UBND tỉnh đã báo cáo và được Bộ Xây dựng đồng ý cho hoán đổi sang vị trí khác tại TP Phan Thiết.

Kết quả điều tra cũng xác định chưa phát hiện động cơ vụ lợi, hoặc hành vi tiêu cực trong việc này; cũng như chưa có căn cứ xác định việc hoán đổi 20% quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án sang vị trí khác gây thiệt hại cho ngân sách. Do đó, cơ quan điều tra chưa có căn cứ xem xét, xử lý hình sự đối với hành vi này.

Tòa nhà mới của Công ty Rạng Đông đang xây dựng dang dở trong phạm vi đất dự án của Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, kề trục đường chính Tôn Đức Thắng - Nguyễn Tất Thành.

Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Rạng Đông (chủ đầu tư dự án) cùng 19 cá nhân khác tại Tỉnh ủy Bình Thuận, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường và một số đơn vị liên quan được xác định có tham gia vào quá trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt giá đất tại dự án này với vai trò, chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

Tuy nhiên, họ không tham gia xuyên suốt và hành vi không mang tính chất quyết định đến kết quả phê duyệt giá đất. Do đó, cơ quan điều tra không xử lý hình sự, mà có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiến nghị xem xét, có hình thức kỷ luật Đảng, chính quyền.