Cái giá đắt của chiến dịch quân sự
Theo ước tính ban đầu của một số chuyên gia, Israel đang tiêu tốn hàng trăm triệu USD mỗi ngày vì cuộc chiến với Iran. Cái giá đắt đỏ có thể sẽ khiến Israel khó theo đuổi một cuộc chiến dài hơi.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), chi phí lớn nhất là các tên lửa đánh chặn các đòn không kích của Iran. Riêng khoản đó có thể tiêu tốn của Israel từ vài chục đến 200 triệu USD mỗi ngày.
Các chi phí khác bao gồm đạn dược và máy bay, cũng như thiệt hại tới cơ sở vật chất. Một số chuyên gia ước tính Israel sẽ cần ít nhất 400 triệu USD cho nỗ lực tái xây dựng hoặc sửa chữa các tòa nhà.
Chi phí chồng chất sau mỗi ngày có thể sẽ gây ra áp lực để Israel kết thúc cuộc chiến nhanh chóng. Giới chức nước này từng nói chiến dịch tấn công mới có thể kéo dài hai tuần.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu chưa ra dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ dừng bước trước khi Israel đạt được toàn bộ mục tiêu, bao gồm xóa bỏ chương trình hạt nhân, hoạt động sản xuất và kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Iran.
Tuy nhiên, cuộc chiến hiện nay rất đắt đỏ. Bà Karnit Flug, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Israel, đánh giá nền kinh tế nước này có thể duy trì một chiến dịch ngắn.
Bà nhận xét: “Yếu tố chủ chốt quyết định chi phí thực sự của cuộc chiến là thời gian. Nếu là một tuần, Israel có thể chịu được chi phí. Còn nếu là hai tuần hay một tháng, đó sẽ là câu chuyện rất khác”.
Chính phủ Israel cho biết trong vài ngày qua, Iran đã phóng hơn 400 quả tên lửa vào nước này. Điều đó có nghĩa là Israel cũng cần không ít tên lửa để đánh chặn.
Hệ thống phòng không David’s Sling của Israel có thể bắn hạ tên lửa tầm ngắn đến tầm xa, drone và máy bay không người lái.
Ông Yehoshua Kalisky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, ước tính chi phí cho mỗi lần kích hoạt David’s Sling vào khoảng 700.000 USD, dựa trên giả định nó sử dụng hai tên lửa đánh chặn.
Arrow 3 - một hệ thống phòng không khác - có thể tiêu diệt được cả các mục tiêu ở ngoài bầu khí quyển. Chi phí cho mỗi lần đánh chặn vào khoảng 4 triệu USD.
Các chi phí quân sự khác bao gồm duy trì hàng chục máy bay chiến đấu trên không trong nhiều giờ đồng hồ tại nơi cách lãnh thổ Israel tới hàng trăm, hàng nghìn km.
Mỗi chiếc máy bay tiêu tốn khoảng 10.000 USD cho mỗi giờ bay, ông Kalisky ước tính. Ngoài ra còn phải kể đến chi phí tiếp nhiên liệu cho máy bay và chi phí đạn được, bao gồm các loại bom như JDAM và MK84.
Ông Zvi Eckstein, người đứng đầu Viện Chính sách Kinh tế Aaron tại Đại học Reichman ở Israel, bình luận: “Tính theo chi phí mỗi ngày, cuộc chiến với Iran đắt đỏ hơn nhiều chiến dịch ở Gaza hay giao tranh với Hezbollah”.
Viện Aaron tính toán rằng nếu cuộc chiến với Iran kéo dài một tháng, Israel sẽ tốn kém khoảng 12 tỷ USD. Con số này tương đương khoảng 2,3% GDP năm 2024 của Israel.
Nền kinh tế bị đóng cửa
Ông Eckstein cho biết chi tiêu quân sự của Israel đã tăng kể từ đầu cuộc chiến với Iran nhưng các nhà kinh tế chưa cảnh báo về nguy cơ suy thoái.
Phần lớn hoạt động kinh tế của Israel đã dừng lại trong những ngày gần đây do các đợt không kích của Iran. Nhiều cơ sở kinh doanh như nhà hàng đã đóng cửa, chỉ lao động trong những ngành thiết yếu mới được yêu cầu đi làm.
Sân bay quốc tế chính của Israel cũng đóng cửa trong vài ngày và mới được mở lại để phục vụ cho những chuyến bay đưa người Israel mắc kẹt ở nước ngoài trở về nước.
Vào ngày 16/6, S&P công báo báo cáo đánh giá rủi ro về xung đột giữa Israel và Iran, nhưng không điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm của Israel.
Hai ngày sau, thị trường chứng khoán Israel lập kỷ lục mới trong bối cảnh nhà đầu tư đặt cược rằng cuộc chiến sẽ kết thúc theo hướng có lợi cho nước này.
Tuy nhiên, thiệt hại từ các cuộc tấn công tên lửa của Iran sẽ ngày càng chồng chất. Các kỹ sư Israel cho biết mức độ tàn phá do các tên lửa đạn đạo lớn gây ra vượt xa bất kỳ điều gì họ từng chứng kiến trong những cuộc xung đột hàng chục năm qua.
Hàng trăm tòa nhà ở Israel đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại nặng nề. Ông Eyal Shalev, một kỹ sư, ước tính chi phí sửa chữa hoặc xây dựng chúng sẽ lên tới hàng trăm triệu USD.
Theo các nhà chức trách Israel, hơn 5.000 người đã phải sơ tán vì thiệt hại do tên lửa gây ra. Một số người đang ở trong những khách sạn do chính phủ trả tiền.
Một trong những nỗi lo lớn nhất của Israel là việc Iran nhắm vào cơ sở hạ tầng. Hai cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu lớn nhất của Israel đã khiến ba nhân viên thiệt mạng và khiến cơ sở này phải ngừng hoạt động.
Ông Dror Litvak, CEO ManpowerGroup Israel, cho biết trong những ngày gần đây thậm chí một số nhân viên thuộc lĩnh vực hạ tầng thiết yếu cũng đã được chỉ đạo không đến nơi làm việc.