Nền kinh tế toàn cầu bước vào năm 2025 trong bối cảnh các nước đang phải vật lộn với những tác động kéo dài của lạm phát, chứng kiến những đổi thay trong chính sách tiền tệ, đồng thời phải khai phá những hướng đi mới để đảm bảo tăng trưởng trong kỷ nguyên số.

Năm 2024 đã khép lại, nhưng thật khó để có thể đánh giá về nền kinh tế trong năm 2024 mà không đặt nó vào bối cảnh 5 năm qua, khi sức phục hồi của GDP thế giới bị thử thách bởi một chuỗi các cú sốc chồng chéo: khởi nguồn từ đại dịch COVID-19 và sau đó là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát cao, xung đột địa chính trị, thiên tai... cùng nhiều vấn đề khác.

Nhìn trong bối cảnh này, có thể khẳng định nền kinh tế thế giới trong năm 2024 đã kiên cường vượt qua nhiều chướng ngại vật, đi vào quỹ đạo khá ổn định, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 3,2% theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tỷ lệ lạm phát dịu xuống đã tạo không gian để các ngân hàng trung ương khởi động chu kỳ hạ lãi suất, nới lỏng các điều kiện tài chính, đem đến sự hỗ trợ cần thiết cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và thậm chí cả các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Việc chu kỳ hạ lãi suất được kích hoạt có ý nghĩa lớn với nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh hơn 50 quốc gia đang phát triển phải chi hơn 10% tổng thu ngân sách cho chi phí trả nợ (theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển - UNCTAD).

Năm 2024 cũng được ví von là "năm của cử tri" khi ít nhất 70 quốc gia, đại diện cho gần một nửa số dân trên hành tinh, đã tổ chức các cuộc bầu cử. Đến thời điểm này, có thể nhận định rằng trong số các cuộc bầu cử của năm 2024, tác động sâu rộng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu là kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 47 ở "xứ cờ hoa", với sự trở lại ấn tượng của ông Donald Trump.

Cuộc bầu cử này đã tác động ngay lập tức đến nhiều thị trường: giá cổ phiếu tại Mỹ vọt lên mức cao kỷ lục, đồng USD mạnh lên so với một số loại tiền tệ, trong khi giá bitcoin cũng đạt mức cao nhất của mọi thời đại. Và điều đặc biệt cần lưu ý đó là, một số đề xuất chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ nếu được thực hiện, sẽ đẩy nhanh chủ nghĩa bảo hộ và làm sâu sắc hơn xu hướng phân mảnh trong nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù sức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2024 ổn định, nhưng tốc độ tăng tương đối thấp so với mức trung bình trong thập kỷ qua. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, có lẽ cần phải cải cách cơ cấu và tăng đầu tư để vực dậy tăng trưởng năng suất, đồng thời các chính sách công cần tập trung đem lại sự thịnh vượng chung cho mọi người dân trong xã hội.

Nhiều nhà quan sát cho rằng 2025 sẽ là năm nền kinh tế thế giới tìm kiếm trạng thái "bình thường mới". Năm năm sau "cơn địa chấn" COVID-19– nguồn cơn của tình trạng mất cân bằng và nhiều thách thức mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt kể từ đó – chúng ta hy vọng có thể thấy một mức độ "bình thường nhất định" sẽ trở lại với chu kỳ kinh tế toàn cầu: khoảng cách giữa cung và cầu đã tồn tại trong 5 năm qua sẽ được thu hẹp, cho phép lạm phát hội tụ về mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương.

Nhưng một trong những rủi ro không thể không nhắc đến khi dự báo về kinh tế thế giới trong năm 2025 đó là các xung đột địa chính trị, nổi cộm là cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, những diễn biến phức tạp ở Trung Đông,...có nguy cơ khoét sâu hơn các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng phân mảnh địa kinh tế.

Rủi ro đến từ biến đổi khí hậu hiện cũng rất lớn, khi năm 2024 đã lập kỷ lục là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nhân loại. Ngày càng xuất hiện nhiều dự báo ảm đạm rằng những tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra sẽ tăng lên theo thời gian.

Mặc dù vậy, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vẫn kỳ vọng rằng nền kinh tế thế giới sẽ rảo bước trong năm 2025, với sức tăng 3,3%. Tốc độ tăng GDP là một chỉ số thể hiện "sức khỏe" của một nền kinh tế, nhưng đáng tiếc thước đo này không cho chúng ta biết nhiều về mức độ phục hồi của nền kinh tế trước các cú sốc, về loại hình đầu tư sẽ đem lại sự đổi mới và lợi nhuận trong dài hạn, về tác động đến môi trường,...

Theo một số phân tích gần đây, thế giới chỉ mới đi được một nửa chặng đường hướng tới việc kết hợp tăng trưởng với các ưu tiên dài hạn khác. Khi theo đuổi những phương thức mới để thúc đẩy tăng trưởng, có lẽ thế giới cần có một thước đo mới đánh giá được cả tốc độ và chất lượng của tăng trưởng kinh tế. Nhưng dù sao, con số dự báo của OECD cũng là cơ sở để chúng ta lạc quan khi bước sang Năm mới 2025.