Thông tin tại họp báo diễn ra ngày 5/7 vừa qua, Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết 6 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh Bắc Ninh (mới) tăng 10,47%, xếp thứ 5/34 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong đó, GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh Bắc Ninh cũ tăng 9,18% so với cùng kỳ năm 2024, theo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Ninh đưa tin. Cụ thể, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,01%; thuế sản phẩm tăng 8,13%; khu vực dịch vụ tăng 11,26%, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,53%.

Tại Bắc Giang, Chi cục Thống kê cho biết tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 14,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng trưởng chung đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính tăng 16,95%; khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,37%; khu vực dịch vụ tăng 8,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,98%.

IIP duy trì tăng trưởng cao

Theo báo cáo của Chi cục Thống kê Bắc Ninh, trước khi sáp nhập, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp 6 tháng tăng 9,74% so với cùng kỳ năm trước, cao thứ ba trong 5 năm trở lại đây. Xét theo ngành công nghiệp cấp I, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,74%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,37% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng cao 23,18%.

IIP 6 tháng đầu năm của Bắc Giang ước tăng 26,95% so với năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 9,72%; ngành chế biến, chế tạo tăng 27,49%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,75%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,22%.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 100.000 tỷ đồng

Theo tổng hợp của người viết, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng của tỉnh Bắc Ninh mới ước đạt 99.595,2 tỷ đồng, tăng 20,75% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của tỉnh Bắc Ninh cũ ước đạt 61.895,2 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 46.744,5 tỷ đồng, tăng 25,5% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.924,3 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 295,2 tỷ đồng, tăng 19,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 9.931,2 tỷ đồng, tăng 28,8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tỉnh Bắc Giang ước đạt khoảng 37.700 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 26.371,5 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 3.139,6 tỷ đồng, tăng 19%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 43,3 tỷ đồng, tăng 37%; doanh thu dịch vụ khác đạt 8.138 tỷ đồng, tăng 22,2%.

Tổng thu nội địa đạt trên 26.600 tỷ đồng

Chi cục Thống kê Bắc Ninh cho biết, luỹ kế 6 tháng vừa qua, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũ ước đạt 23.211 tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm và tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 18.751 tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán và tăng 34,5% so với cùng kỳ; thu từ hải quan ước đạt 4.460 tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán và tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Tại Bắc Giang, tổng thu nội địa toàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 7.854 tỷ, tăng trên 3 lần so với cùng kỳ. Trong 16 khoản thu thuế, phí có 4 khoản giảm so với cùng kỳ, 12 khoản tăng so với cùng kỳ.

Tổng vốn huy động tín dụng ước đạt gần 380.000 tỷ đồng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục duy trì ổn định trong 6 tháng đầu năm nay. Tính đến hết tháng 6, tổng nguồn vốn huy động tại tỉnh Bắc Ninh mới ước đạt 379.010 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũ ước đạt 235.570 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước, tăng 15,4% so với cùng thời điểm năm trước và tăng 2,4% so với thời điểm cuối năm 2024. Trong khi đó, tại Bắc Giang, tổng nguồn vốn huy động trên toàn tỉnh ước đạt ước đạt 143.440 tỷ đồng, tăng 17,9% so với thời điểm 31/12/2024.

Về dư nợ tín dụng, tính đến hết tháng 6, tổng dư nợ tại tỉnh Bắc Ninh mới ước đạt 350.464 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay tại tỉnh Bắc Ninh cũ ước đạt 217.004 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước, tăng 25% so với cùng thời điểm năm trước và tăng 9,2% so với thời điểm cuối năm 2024. Dư nợ tại tỉnh Bắc Giang đạt 133.460 tỷ đồng, tăng 17,7% so với thời điểm 31/12/2024.

Thu hút 3,17 tỷ USD vốn đầu tư FDI

Theo số liệu từ Chi cục Thống kê Bắc Ninh, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút tại tỉnh Bắc Ninh cũ đạt 2,84 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 155 dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn 710,6 triệu USD, giảm 36,5% về số dự án và giảm 35,5% về vốn đăng ký; 97 dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 2,16 tỷ USD, tăng 11,5% về số dự án và tăng 41,6% về vốn đăng ký; 10 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với giá trị 34,4 triệu USD, giảm 61,5% về số lượt và tăng 17,4% về giá trị.

Tại Bắc Giang, tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh đã thu hút 24 dự án FDI với vốn đăng ký đạt 147,6 triệu USD, xấp xỉ 45% cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn cho 41 dự án FDI với tổng vốn đăng ký bổ sung đạt 177,5 triệu USD, bằng 28,4% cùng kỳ.

Một ‘siêu tỉnh công nghiệp’ được hình thành

Việc sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được kỳ vọng sẽ tạo thành một “siêu tỉnh công nghiệp”, với những khu công nghiệp quy mô lớn, quy tụ nhiều “đại bàng” công nghệ.

Toàn tỉnh Bắc Ninh cũ có 16 khu công nghiệp, trong đó nổi bật là các khu công nghiệp Yên Phong, VSIP Bắc Ninh, Quế Võ… thu hút các doanh nghiệp như Samsung, Canon, Foxconn, Amkor, Hanwha Techwin. Bắc Giang không kém cạnh với các khu công nghiệp như Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu, là nơi tập trung các nhà máy của Luxshare, JA Solar, BOE, Fukang Technology, chiếm lĩnh lĩnh vực điện tử, năng lượng và thiết bị quang học.

Về hạ tầng giao thông, Bắc Ninh cũ và Bắc Giang cùng nằm trên hành lang kinh tế Hà Nội – Lạng Sơn, kết nối thuận lợi với cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Hà Nội – Thái Nguyên, quốc lộ 1A và gần sân bay Nội Bài (Hà Nội), cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Đặc biệt, sân bay Gia Bình đang được xây dựng cùng tuyến đường kết nối trực tiếp đến trung tâm Hà Nội sẽ nâng cao vị thế giao thương của tỉnh mới.

Ngoài ra, theo Quyết định số 1589 ban hành ngày 8/12/2023, tỉnh Bắc Ninh được quy hoạch trở thành đô thị thông minh và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Những điều này cho thấy tỉnh Bắc Ninh mới còn rất nhiều dư địa phát triển, dự kiến sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút các dự án quy mô lớn và những nhà đầu tư hàng đầu thế giới.