Lần đầu tiên trong vòng 34 năm, Nhật Bản đã đánh mất ngôi vị chủ nợ lớn nhất thế giới, theo dữ liệu do Bộ Tài chính nước này công bố ngày 27/5

Báo cáo mới cho thấy tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản đạt 533.050 tỷ yen (tương đương khoảng 3.700 tỷ USD) vào cuối năm 2024. Con số này cao hơn khoảng 13% so với một năm trước và là mức cao nhất Nhật Bản từng ghi nhận.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn bị Đức vượt mặt, bởi nền kinh tế lớn nhất châu Âu có tài sản ròng ở nước ngoài tương đương 569.700 tỷ yen trong năm 2024. Trung Quốc chiếm vị trí thứ ba với tài sản ròng tương đương 516.300 tỷ yen.

“Cuộc soán ngôi” phản ánh mức thặng dư tài khoản vãng lai đáng kể của Đức. Cụ thể, Bloomberg cho biết thặng dư tài khoản vãng lai năm 2024 của Đức đạt 248,7 tỷ euro, chủ yếu nhờ hoạt động thương mại mạnh mẽ. Thặng dư của Nhật Bản đạt 29.400 tỷ yen, tương đương 180 tỷ euro.

Năm ngoái, đồng euro mạnh lên khoảng 5% so với đồng yen, khiến mức chênh lệch giữa tài sản của Đức và Nhật Bản càng lớn khi quy đổi ra yen.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato có vẻ không hề lo ngại về diễn biến trên. Ông nói với các phóng viên: “Tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản vẫn đang tăng đều đặn. Do đó, chúng ta không nên coi thứ hạng mới là dấu hiệu cho thấy vị thế của Nhật Bản đã thay đổi đáng kể”.

Đối với Nhật Bản, đồng yen suy yếu góp phần dẫn đến cả sự gia tăng của nợ lẫn tài sản ở nước ngoài. Song, tài sản của Nhật Bản vẫn tăng nhanh hơn nợ, một phần nhờ vào xu hướng mở rộng các khoản đầu tư ở nước ngoài.

Trong năm 2024, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn duy trì nhu cầu mạnh mẽ đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là ở Anh và Mỹ. Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến các ngành như tài chính, bảo hiểm và bán lẻ.

Ông Daisuke Karakama, trưởng chuyên gia kinh tế thị trường tại Mizuho Bank, cho biết việc nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng phân bổ nhiều vốn cho FDI thay vì chứng khoán nước ngoài sẽ khiến họ khó rút vốn về nước nhanh hơn trước.

Ông giải thích: “Nhà đầu tư có thể dễ dàng bán trái phiếu và chứng khoán nước ngoài khi rủi ro nổi lên, nhưng quá trình thoái vốn khỏi doanh nghiệp ngoại sẽ không đơn giản như thế”.

Triển vọng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp nước này có tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu ở thị trường quốc tế - đặc biệt là tại Mỹ - hay không.

Do chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một số công ty có thể sẽ chuyển hoạt động sản xuất hay tài sản sang Mỹ để giảm thiểu rủi ro liên quan đến thương mại.