Thoả thuận sụp đổ
Kể từ ngày 1/1/2025, hoạt động vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua Ukraine đã chính thức dừng lại sau khi tập đoàn Naftogaz của Ukraine từ chối gia hạn thoả thuận với gã khổng lồ Gazprom của Nga.
Trong một tuyên bố sau khi thoả thuận sụp đổ, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine nhấn mạnh đây là “một sự kiện lịch sử” và khẳng định động thái của Kiev là nhằm “bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia”.
Theo đưa tin từ Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi diễn biến trên là “một trong những thất bại lớn nhất của Nga” và hy vọng Mỹ sẽ tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Trên ứng dụng Telegram, ông Zelensky cáo buộc Moscow “biến năng lượng thành vũ khí và tham gia vào hành vi tống tiền năng lượng một cách vô liêm sỉ với các đối tác của mình”.
Khi thoả thuận chấm dứt, Ukraine sẽ mất khoản phí trung chuyển hàng năm khoảng 800 triệu đến 1 tỷ USD. Trong khi đó, Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD doanh thu bán khí đốt.
Quốc gia châu Âu nào phụ thuộc vào đường ống?
Trước khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào đầu năm 2022, Nga là nhà cung ứng khí đốt tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, tình thế thay đổi chóng vánh sau khi chiến sự nổ ra.
Theo Ủy ban châu Âu, thị phần của Nga trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu qua các đường ống của EU đã giảm mạnh từ hơn 40% vào năm 2021 xuống còn khoảng 8% vào năm 2023.
Về đường ống khí đốt qua Ukraine, đây là hệ thống đã xây dựng từ thời Liên Xô. Đường ống chạy từ khu vực Siberia của Nga đến thị trấn Sudzha - một địa điểm tại vùng Kursk của Nga nhưng hiện do Ukraine kiểm soát.
Đường ống tiếp tục đi qua Ukraine vào Slovakia. Tại Slovakia, đường ống chia thành các nhánh nhỏ hơn để cung ứng khí đốt cho Cộng hoà Séc và Áo.
Theo tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels, đường ống này trung chuyển khoảng 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào EU và chủ yếu cung ứng cho Áo, Hungary và Slovakia.
Cho đến thời điểm trước khi thoả thuận sụp đổ, Áo vẫn nhận phần lớn khí đốt qua đường ống Ukraine, trong khi Nga chiếm khoảng hai phần ba lượng khí đốt nhập khẩu của Hungary.
Tương tự, Slovakia cũng nhập khẩu khoảng 3 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên từ Gazprom mỗi năm, tương đương hai phần ba nhu cầu của nước này.
Cộng hoà Séc gần như ngừng mua khí đốt từ Nga vào năm 2023 nhưng bắt đầu nhập khẩu trở lại vào năm 2024. Cả 4 nước Áo, Hungary, Slovakia và Cộng hoà Séc đều thuộc EU.
Một quốc gia châu Âu khác nhưng không thuộc khối EU cũng phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga, đó là Moldova. Trung bình mỗi năm quốc gia Đông Âu này nhập khẩu khoảng 2 bcm khí đốt.
Khí đốt được vận chuyển qua Ukraine đến vùng ly khai Transdniestria (hay Transnistria). Tại đó, người ta sẽ sản xuất điện từ khí đốt để bán cho các khu vực do chính phủ Moldova kiểm soát.
Liệu các nước châu Âu đã an toàn?
Hầu hết các đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu đều đã đóng cửa, bao gồm cả tuyến Yamal-Europe qua Belarus và Nord Stream qua Biển Baltic. Lựa chọn duy nhất hiện nay là TurkStream tới Thổ Nhĩ Kỳ nhưng công suất của đường ống này khá hạn chế.
Theo thông tin từ Reuters, cơ quan quản lý của Áo cho biết quốc gia Trung Âu này sẽ không phải đối mặt với tình trạng gián đoạn năng lượng vì họ đã chuẩn bị cho việc chuyển đổi nguồn cung khí đốt.
Cộng hoà Séc có thể tiếp cận nguồn cung mới từ các đường ống của Đức. Trong khi đó, nguồn cung khí đốt của Slovakia có thể đến từ Hungary, khoảng một phần ba nữa từ Áo và phần còn lại từ Cộng hoà Séc và Ba Lan.
Tuy nhiên, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cảnh báo hôm 1/1 rằng việc đường ống qua Ukraine đóng cửa sẽ khiến Slovakia mất hàng trăm triệu USD doanh thu trung chuyển và chịu giá khí đốt nhập khẩu cao hơn.
Bộ Kinh tế Slovakia cho biết nước này sẽ chịu khoản chi phí khoảng 177 triệu euro (tương đương 184 triệu USD) để tiếp nhận khí đốt từ những hệ thống cung ứng thay thế khác.
Moldova có lẽ là quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Hồi đầu tháng 12, nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp do nguy cơ thiếu hụt khí đốt. Tổng thống Maia Sandu nhấn mạnh mùa đông năm nay ở Moldova sẽ rất “khắc nghiệt” nếu không có khí đốt của Nga.
Giới quan sát đã nhìn thấy một số dấu hiệu căng thẳng. Hôm 1/1, Transnistria - khu vực có dân số khoảng 450.000 người - đã cắt nguồn cung cấp nước nóng và sưởi ấm cho các hộ gia đình trong vùng.
Chia sẻ với CNN vào cuối tháng 12, nhà phân tích Massimo Di Odoardo của Wood Mackenzie nhận định sự sụp đổ của thoả thuận giữa Nga và Ukraine sẽ khiến châu Âu khó có thể nạp đầy các kho dự trữ trước mùa đông tới.
Theo vị chuyên gia, đó là một trong những lý do giá khí đốt tại châu Âu có khả năng sẽ vẫn duy trì gần mức hiện nay hoặc có thể tăng vào năm 2025. Giá khí đốt đã giảm từ mức cao nhất mọi thời đại vào mùa hè năm 2022 nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mức trung bình lịch sử.