Ngày 6/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo về việc niêm yết và giao dịch đầu tiên đối với cổ phiếu của của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR).
Cụ thể, 3,1 tỷ cp BSR sẽ được đưa vào giao dịch ngày 17/1 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 21.300 đồng/cp, biên độ dao động là 20%. Như vây, Lọc hóa dầu Bình Sơn đang được định giá hơn 66.000 tỷ đồng (hơn 2,6 tỷ USD).
Trước đó, BSR đã hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM. Giá giao dịch cuối cùng (cuối phiên 6/1) trên UPCoM là 21.900 đồng/cp.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc chuyển sang niêm yết HOSE giúp nâng cao tính minh bạch, thương hiệu, khả năng tiếp cận vốn và thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược.
Đồng thời, điều này mở ra triển vọng được đưa vào rổ chỉ số VN30 trong vòng 6 tháng sau khi hoàn tất chuyển sang HOSE (nếu đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ free-float, thanh khoản, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch và vốn hóa trung bình 12 tháng gần nhất).
Lọc hóa dầu Bình Sơn là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, tương đương 148.000 thùng/ngày. Công ty hiện chiếm khoảng 30% nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
BSR đang có vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sở hữu tỷ lệ hơn 92%.
Vào cuối tháng 12/2024, phương án tăng vốn điều lệ của Lọc hóa dầu Bình Sơn lên 50.073 tỷ đồng đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua và đang được trình lên cơ quan thẩm quyền. Việc tăng vốn này này nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất và chiến lược phát triển dài hạn của công ty đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Phương án sẽ được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, với tổng tỷ lệ chia thưởng là 61,5%. Việc tăng vốn giúp nâng công suất sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 171.000 thùng/ngày, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo cung ứng, nâng khả năng cạnh tranh.
Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận 87.058 tỷ đồng doanh thu và 715 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, giảm lần lượt 17% và 88% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VCBS, nửa cuối năm 2024 ghi nhận sự suy yếu của thị trường dầu mỏ thế giới khi giá dầu chạm mốc thấp nhất trong gần ba năm. Điều này đã làm cho các nhà máy lọc dầu trên thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Biên lợi nhuận lọc dầu trên khắp châu Á giảm mạnh và chạm mức thấp nhất trong 4 năm kể từ 2020, sau khi nhu cầu nhiên liệu đạt đỉnh vào mùa hè. Công ty cũng đang chịu tác động bởi giá dầu biến động.
Chênh lệch giữa giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm (crack spread) là yếu tố dẫn đến lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Crack spread của các sản phẩm xăng dầu đã bắt đầu hồi phục kể từ đầu quý IV/2024.
Thời điểm cuối năm thường là giai đoạn cao điểm của ngành hàng không và mùa lễ hội lớn. Điều này kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với xăng máy bay (Jet A1) và sản phẩm dầu Diesel (DO). VCBS dự báo lợi nhuận gộp quý cuối năm sẽ cải thiện, hoạt động kinh doanh cả năm có lợi nhuận.
Nhóm phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2025 sẽ phục hồi từ mức nền thấp 2024 sau khi doanh nghiệp hoàn thành bảo dưỡng và việc niêm yết trên HOSE sẽ hỗ trợ trong huy động vốn. Với hiệu suất vận hành cao và crack spread ổn định, lợi nhuận sau thuế được dự báo sẽ cải thiện.
Vào cuối năm 2024, hội đồng quản trị Lọc hoá dầu Bình Sơn đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 tạm thời. Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 114.654 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 752 tỷ đồng. Với riêng công ty mẹ, chỉ tiêu doanh thu là 114.438 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 737 tỷ đồng.
Năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1.148 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ hơn 1.200 tỷ đồng trong quý III/2024 khiến lợi nhuận sau thuế 9 tháng mới thực hiện được 59% chỉ tiêu cả năm.