Hôm 7/1, con trai Donald Trump Jr. của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đến đảo Greenland, sau khi cha ông bày tỏ mong muốn mua lại hòn đảo.
Chia sẻ với CNN, ông Trump Jr. cho biết chuyến đi nhằm mục đích giải trí và vốn dĩ ông là người thích ngao du. Tuy nhiên, dù vô tình hay hữu ý, thời điểm của chuyến đi vẫn làm dấy lên rất nhiều câu hỏi.
Hồi tháng 12, ông Trump tuyên bố việc Mỹ sở hữu Greenland là điều “cực kỳ cần thiết”, nhắc lại tưởng ông từng đề cập trong nhiệm kỳ đầu tiên. Và tại buổi họp báo hôm 7/1, ông cũng không loại trừ khả năng dùng sức ép quân sự hay kinh tế để có Greenland.
Dù cái tên có nghĩa là “vùng đất xanh”, thực chất Greenland là một hòn đảo ở vùng Bắc Cực với 80% diện tích bị bao phủ bởi băng. Vậy ông Trump, một thương nhân bất động sản lão luyện, nhìn thấy ưu điểm gì ở vùng đất lạnh giá này?
Vị trí độc đáo
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, nơi ở của hơn 56.000 người và là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Hòn đảo này có vị thế địa chính trị độc đáo, nắm giữa Mỹ và châu Âu. Thủ phủ Nuuk của Greenland gần với New York hơn cả thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.
Ông Ulrik Pram Gad, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết từ lâu Greenland đã được cho là có vai trò then chốt với an ninh Mỹ, đặc biệt là để đề phòng các mối đe dọa từ Nga.
Tuyến đường vận chuyển Hành lang Tây Bắc chạy dọc theo bờ biển Greenland và hòn đảo này là một phần của Khoảng trống Greenland-Iceland-Anh, một khu vực hàng hải chiến lược.
Trước ông Trump, hai tổng thống Mỹ khác cũng từng nêu ý tưởng mua lại Greenland nhưng không thành công. Song, theo hiệp ước phòng thủ năm 1951, Mỹ đã đặt Căn cứ Không quân Pituffik ở tây bắc Greenland. Nằm giữa Moscow và New York, Pituffik là tiền đồn cực bắc của lực lượng vũ trang Mỹ và được trang bị hệ thống cảnh báo tên lửa.
Ông Pram Grad cho biết: “Mỹ rất muốn đảm bảo rằng không cường quốc đối thủ nào kiểm soát Greenland, bởi hòn đảo này có thể trở thành căn cứ tốt để tấn công Mỹ”.
Giàu tài nguyên hiếm
Ông Klaus Dodds, Giáo sư địa chính trị tại Đại học London, cho rằng trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú của Greenland có thể còn hấp dẫn với ông Trump hơn cả vị thế chiến lược của hòn đảo này.
Những tài nguyên đó bao gồm dầu mỏ, khí đốt, cũng như các kim loại đất hiếm cần thiết cho xe điện, tua-bin gió, công cuộc chuyển đổi xanh và sản xuất thiết bị quân sự.
Hiện nay, Trung Quốc đang thống trị hoạt động sản xuất đất hiếm trên toàn cầu và đã đe dọa sẽ hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng cũng như những công nghệ liên quan.
Ông Dodds nói với CNN: “Chắc chắn ông Trump và các cố vấn rất lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tới nguồn cung đất hiếm”.
Trong khi đó, Greenland lại là nguồn cung cấp đầy tiềm năng đối với những khoáng sản thiết yếu đó. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ ý nghĩa thực sự khi Mỹ muốn kiểm soát Greenland là nhằm đối trọng với Trung Quốc”.
Cơ hội từ băng tuyết
Hiện tượng băng tan và nhiệt độ vùng Bắc Cực tăng nhanh đem đến cho Greenland nhiều cơ hội kinh tế mới.
Việc một phần băng tan chảy đã giúp giải phóng những tuyến đường vận chuyển, tăng thời gian thuyền bè có thể di chuyển qua đây vào mùa hè ở Bắc Bán cầu. Theo Hội đồng Bắc Cực, hoạt động vận chuyển hàng hóa ở Bắc Cực đã tăng 37% trong một thập kỷ tới năm 2024, một phần do băng tan.
Giáo sư Dodds nhận xét: “Tôi nghĩ ông Trump đã nhận ra Bắc Cực đang tan chảy và nhìn thấy những cơ hội mà nó đem lại”.
Một số ý kiến cũng cho rằng băng tan có thể giúp con người dễ tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nguyên hơn. Nhưng ông Phillip Steinberg, Giáo sư địa lý tại Đại học Durham, chỉ ra rằng cho tới nay cuộc khủng hoảng khí hậu chưa tạo ra tác động lớn tới việc khai thác tài nguyên.
Theo ông, biến đổi khí hậu không khiến các tài nguyên của Greenland trở nên dễ tiếp cận, mà khiến việc sở hữu chúng trở nên cần thiết hơn.
Liệu ông Trump có thể toại nguyện?
Chính phủ Đan Mạch và chính quyền Greenland đều phản đối mạnh mẽ ý tưởng đem bán hòn đảo này. Ông Múte Bourup Egede, lãnh đạo chính quyền Greeland, nhấn mạnh: “Greenland không phải để bán và sẽ không bao giờ bị bán đi”.
Gần đây, Vua Đan Mạch còn thay đổi phù hiệu hoàng gia để thể hiện rõ hơn biểu tượng của Greenland, nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của hòn đảo với vương quốc.
Nhưng Giáo sư Dodds nhận thấy bình luận của ông Trump được đưa ra vào thời điểm khá đặc biệt với Greenland. Hòn đảo này đang tìm cách tăng cường tính độc lập kinh tế so với Đan Mạch bằng cách đa dạng hóa khỏi ngành đánh bắt cá.
Tháng 11 năm ngoái, Greenland mở một sân bay mới tại Nuuk nhằm thúc đẩy ngành du lịch. Nhưng Greenland vẫn phụ thuộc vào khoảng 500 triệu USD trợ cấp hàng năm từ Đan Mạch.
Ông Dodds gợi ý ông Trump có thể đề nghị trả 1 tỷ USD mỗi năm để xây dựng một mối quan hệ đặc biệt, trong đó Greenland giữ nguyên quyền tự chủ còn Mỹ nhận về một số lợi ích chiến lược nhất định.
Hiện thời, không ai rõ liệu ông Trump sẽ đi xa đến đâu trong nỗ lực mua lại Greenland một khi quay trở lại Nhà Trắng. Nhà nghiên cứu Pram Gad chỉ ra: “Không ai biết những tuyên bố này chỉ là lời khoa trương thanh thế, sự đe dọa để đổi lấy điều khác, hay thực sự là điều ông Trump muốn làm”.