Thoả thuận vận chuyển khí đốt kéo dài 5 năm giữa hai tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraine và Gazprom của Nga đã chính thức chấm dứt vào ngày 1/1/2025 sau khi phía Kiev từ chối gia hạn.

Hiện tại, hàng trăm nghìn người dân ở khu vực ly khai Transnistria thuộc Moldova sẽ phải sống những tháng mùa đông còn lại mà không có hệ thống sưởi ấm hay điện năng.

Cùng với Slovakia và Áo, Moldova được giới chuyên gia cảnh báo là một trong những quốc gia chịu nguy cơ cao nhất khi thoả thuận cung cấp khí đốt Nga qua đường ống của Ukraine dừng lại.

Nằm giữa Romania và Ukraine, quốc gia Đông Âu không giáp biển này đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày vào đầu tháng 12/2024 vì lo ngại về an ninh năng lượng.

Theo thông tin từ CNBC, kể từ ngày 1/1, Transnistia đã buộc phải đóng cửa hầu hết các công ty công nghiệp và chỉ duy trì các nhà máy sản xuất thực phẩm. Nhà máy điện chính trong vùng đã bắt đầu sử dụng than.

Đến ngày 3/1, ông Vadim Krasnoselskyi - lãnh đạo vùng - chia sẻ trên Telegram rằng 1.500 toà nhà chung cư nhiều tầng trong khu vực hiện không được sưởi ấm và cung cấp nước nóng. Đồng thời, gần 72.000 hộ gia đình không có khí đốt.

Ông kêu gọi người dân đốt củi để sưởi ấm và cảnh báo rằng Transnistria không thể tránh khỏi tình trạng mất điện sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine, theo CNN.

“Sự kiện lịch sử”

Trong một tuyên bố sau khi thoả thuận sụp đổ, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine nhấn mạnh đây là “một sự kiện lịch sử” và khẳng định động thái của Kiev là nhằm “bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia”.

Theo đưa tin từ Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi diễn biến trên là “một trong những thất bại lớn nhất của Nga” và hy vọng Mỹ sẽ tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

Trên ứng dụng Telegram, ông Zelensky cáo buộc Moscow “biến năng lượng thành vũ khí và tham gia vào hành vi tống tiền năng lượng một cách vô liêm sỉ với các đối tác của mình”.

Khi thoả thuận chấm dứt, Ukraine sẽ mất khoản phí trung chuyển hàng năm khoảng 800 triệu đến 1 tỷ USD. Trong khi đó, Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD doanh thu bán khí đốt.

Trước khi Moscow tấn công Ukraine vào đầu năm 2022, Nga là nhà cung ứng khí đốt tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, khí đốt Nga đã mất dần ưu thế trên thị trường châu Âu kể từ đó.

Theo Ủy ban châu Âu, thị phần của Nga trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu qua các đường ống của EU đã giảm mạnh từ hơn 40% vào năm 2021 xuống còn khoảng 8% vào năm 2023.

Về đường ống khí đốt qua Ukraine, đây là hệ thống đã xây dựng từ thời Liên Xô. Đường ống chạy từ khu vực Siberia của Nga đến thị trấn Sudzha - một địa điểm tại vùng Kursk của Nga nhưng hiện do Ukraine kiểm soát.

Đường ống tiếp tục đi qua Ukraine vào Slovakia. Tại Slovakia, đường ống chia thành các nhánh nhỏ hơn để cung ứng khí đốt cho Cộng hoà Séc và Áo.

Theo tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels, đường ống này trung chuyển khoảng 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào EU và chủ yếu cung ứng cho Áo, Hungary và Slovakia.

Cho đến thời điểm trước khi thoả thuận sụp đổ, Áo vẫn nhận phần lớn khí đốt qua đường ống Ukraine, trong khi Nga chiếm khoảng hai phần ba lượng khí đốt nhập khẩu của Hungary.

Tương tự, Slovakia cũng nhập khẩu khoảng 3 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên từ Gazprom mỗi năm, tương đương hai phần ba nhu cầu của nước này.

Cộng hoà Séc gần như ngừng mua khí đốt từ Nga vào năm 2023 nhưng bắt đầu nhập khẩu trở lại vào năm 2024. Moldova nhập khẩu khoảng 2 bcm khí đốt từ Nga mỗi năm.

Cả 4 nước Áo, Hungary, Slovakia và Cộng hoà Séc đều thuộc EU, trong khi Moldova vẫn chưa chính thức trở thành thành viên của khối kinh tế chung.