Kế hoạch năm 2025 (trong bối cảnh tăng trưởng GDP đạt 8% và tăng trưởng tín dụng đạt 16% theo mục tiêu của Chính phủ):

Lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất: 31,8 nghìn tỷ đồng (+10% YoY), so với dự báo của VCSC là 32,1 nghìn tỷ đồng (+11% YoY).

Tăng trưởng tín dụng: 23,7% YoY (phụ thuộc vào hạn mức tín dụng chính thức được NHNN cấp), so với dự báo của VCSC là 23,3% YoY.

Tăng trưởng huy động (bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá): 23,3% YoY.

Tỷ lệ nợ xấu: kiểm soát dưới 1,7%.

ROE: khoảng 20%22%; ROA: khoảng 2%; Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR): không vượt quá 30%.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR): không thấp hơn 9%.

Kế hoạch cổ tức: 35% cho năm tài chính 2024, bao gồm 32% cổ tức cổ phiếu và 3% cổ tức tiền mặt (tương đương lợi suất là 1,5% so với giá đóng cửa gần nhất).

Kế hoạch tái cơ cấu Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (trước đây là Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank): MBB chính thức tiếp nhận Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV) vào tháng 10/2024 và MBV hoạt động độc lập dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Tình hình tài chính của MBV tính đến cuối năm 2024:

Tổng tài sản: 46,2 nghìn tỷ đồng (+16% YoY; tương đương 4% tổng tài sản năm 2024 của MBB).

Dư nợ khách hàng: 34,8 nghìn tỷ đồng (+5,6% YoY; tương đương 5% dư nợ khách hàng của MBB).

Vốn huy động từ khách hàng: 47 nghìn tỷ đồng (+5,3% YoY; tương đương 7% tiền gửi khách hàng của MBB).

Lỗ lũy kế: 15,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 69% lợi nhuận ròng năm 2024 của MBB).

101 điểm giao dịch tại 19 tỉnh thành (chiếm khoảng 20% mạng lưới vật lý hiện tại của MBB).

Các ghi nhận chính:

MBB đặt mục tiêu tái cơ cấu MBV thành ngân hàng số.

Vốn góp tối đa của MBB vào MBV là 5 nghìn tỷ đồng.

Trong tương lai, MBV có thể chuyển đổi pháp lý/sáp nhập vào MBB/được nhà đầu tư khác mua lại (toàn bộ hoặc một phần) theo phương án được phê duyệt và quy định pháp luật.

MBB và MBV được quyền nhận và triển khai các biện pháp cần thiết để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu. MB sẽ hỗ trợ MBV về quản trị, vận hành, đào tạo, công nghệ thông tin, v.v.MBB đề xuất với cơ quan chức năng về các biện pháp, cơ chế và chính sách hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả triển khai kế hoạch tái cơ cấu. 4. Nội dung khác: Theo Luật Các tổ chức tín dụng mới (có hiệu lực từ tháng 7/2024), nhằm tăng cường quy trình vận hành, MBB cũng đề xuất kế hoạch hành động tổng thể về biện pháp khắc phục trong trường hợp can thiệp sớm khi phát hiện vấn đề tài chính.

Quan điểm của VCSC:

Kế hoạch kinh doanh của MBB nhìn chung phù hợp với kỳ vọng trước khi có chính sách thuế quan mới từ Tổng thống Trump, với mức tăng trưởng mạnh và chất lượng tài sản trong tầm kiểm soát. Trong 10 năm qua, MBB thường ghi nhận KQKD cao hơn trung bình 8% so với kế hoạch ĐHCĐ (riêng năm 2020, ngân hàng ghi nhận KQKD thấp hơn 3% so với kế hoạch). Ngoài ra, lợi nhuận của MBB chưa từng giảm kể từ năm 2014.

VCSC nhận thấy áp lực đối với triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng do tác động tiêu cực tiềm năng từ chính sách thuế mới của Tổng thống Trump (nếu được thực thi), ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng (đặc biệt ở các ngành phụ thuộc xuất khẩu), NIM và chất lượng tài sản.

Với kế hoạch hỗ trợ MBV của MBB, dựa trên tình hình tài chính hiện tại của MBV, VCSC cho rằng việc tái cơ cấu là khả thi và có lợi trong dài hạn cho MBB nhờ các ưu đãi và lợi thế mở rộng mạng lưới. Ngoài ra, VCSC nhận thấy MBB không chịu áp lực về thời gian từ NHNN trong việc hồi phục MBV, và có thể linh hoạt tối ưu hóa kế hoạch tái cơ cấu.