Ngày 26/5, thương hiệu thời trang trẻ em Hrnee thông báo rút khỏi thị trường sau 7 năm hoạt động.

“Nếu một ngày ba mẹ không còn nhìn thấy logo Hrnee nữa...

7 năm không quá dài, nhưng đủ để Hrnee trở thành một phần ký ức của nhiều gia đình. Mong rằng, trong tâm trí ba mẹ và những khách hàng thân thiết, Hrnee sẽ luôn được nhớ đến như một thương hiệu tử tế, dịu dàng đã vun đắp những năm tháng đầu đời của con”, Hrnee viết trên Fanpage.

Bên cạnh thông báo dừng hoạt động, Hrnee còn mở chương trình tri ân mang tên "Sale Goodbye", được hãng gọi là đợt giảm giá lớn nhất trong lịch sử thương hiệu.

Chương trình giảm giá diễn ra từ 30/5 đến 8/6, áp dụng trên toàn hệ thống phân phối.

Hiện tại hãng chưa công bố chi tiết lý do dừng hoạt động cũng như kế hoạch, dự định trong tương lai. Song, dưới bài đăng “chia tay” của Hrnee, nhiều người tỏ ra tiếc nuối trước quyết định này.

Hrnee là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Giải pháp Thiết kế Bình Nguyên. Công ty này được thành lập vào ngày 1/7/2019, có trụ sở chính tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật của công ty hiện là ông Nguyễn Quốc Thành, sinh năm 1977, chức vụ Giám đốc.

Tại thời điểm thành lập, Bình Nguyên có vốn điều lệ 9,9 tỷ đồng, chủ sở hữu là ông Nguyễn Quốc Thành. Tháng 10/2019, công ty giảm vốn xuống 1 tỷ đồng.

Tháng 4/2023, công ty điều chỉnh vốn điều lệ, từ 1 tỷ đồng lên 2,5 tỷ đồng. Tháng 5/2025, Bình Nguyên tăng vốn lên 6,5 tỷ đồng.

Gần đây, nhiều local brand lần lượt rút lui khỏi bản đồ thời trang. Giữa tháng 2, MỘT - thương hiệu giày thuần Việt thông báo tạm dừng hoạt động, khép lại 7 năm lăn lộn trên thương trường.

Cuối năm ngoái, Lep’, chuỗi cửa hàng thời trang có 17 chi nhánh trên khắp cả nước tuyên bố đóng cửa. Nguyễn Ngọc Trâm, nhà sáng lập thừa nhận, cô không thể theo kịp tốc độ thay đổi của thị trường. “Đây là một quyết định đầy đau lòng, nhưng không thể tránh được”, Trâm viết.

Không lâu sau đó, Founder MEO Thu Nhi cho biết đã thua trong cuộc đua ngành thời trang do chủ hãng không có gu quần áo đẹp, thiết kế không còn hợp thời và lỗi kinh doanh theo cảm hứng như “thích cái nào là may cái đó”.

Không chỉ có MỘT, Lep’, MEO, thời gian qua, bản đồ thời trang Việt Nam rơi rụng nhiều cái tên quen thuộc như Catsa, Elpis…. Trong đó, Nguyễn Thùy Linh Cát – sáng lập Catsa cho rằng, một trong những lý do khiến thương hiệu phải ngừng kinh doanh là không muốn cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.

Có một thực tế, trong những năm gần đây, khách hàng ưa chuộng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). 4 năm qua, thị trường TMĐT của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16 – 30%.

Năm ngoái, thương mại điện tử Việt Nam đã vượt mốc 25 tỷ USD. Cùng với những động lực tăng trưởng mới, dự báo thị trường này sẽ tăng vượt 31 tỷ USD trong năm 2025. Các xưởng sản xuất bắt đầu tiếp cận trực tiếp với khách hàng thông qua người nổi tiếng, KOL, KOC khiến các nhà bán lẻ, bên trung gian không chịu được nhiệt, buộc rút khỏi thị trường.