Căng thẳng gia tăng

Chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “thiết lập lại hoàn toàn” mối quan hệ với Trung Quốc sau khi hai nước đạt thỏa thuận đình chiến thương mại ở Geneva, căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế lại dâng cao.

Vào ngày 28/5, chính quyền ông Trump thông báo sẽ bắt đầu “mạnh tay” thu hồi visa của sinh viên Trung Quốc, đồng thời đưa ra các hạn chế mới đối với việc bán phần mềm thiết kế chip và các bộ phận động cơ máy bay quan trọng sang Trung Quốc.

Không lâu trước đó, Nhà Trắng cũng tìm cách cấm Huawei bán chip AI tiên tiến cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, khiến Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích.

Ông Alfredo Montufar-Helu, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc thuộc tổ chức The Conference Board, bình luận: “Cuộc đàm phán ở Geneva mang tính tích cực bởi khi đó cả hai nước chính thức trò chuyện với nhau.

Nhưng cuộc đàm phán đó không thực sự giải quyết những vấn đề cốt lõi thúc đẩy sự cạnh tranh giữa hai bên. Vấn đề quan trọng nhất là cuộc đua công nghệ”.

Tuy Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý giảm mạnh thuế quan lên hàng hóa của nhau trong 90 ngày, hai nước vẫn cần đạt được một thỏa thuận để tái cân bằng thương mại. Trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump, quá trình này mất đến hàng năm.

Hai nước cũng bất đồng về vai trò của Bắc Kinh trong nạn buôn lậu fentanyl vào Mỹ, cũng như các lệnh kiểm soát đất hiếm và chip.

Một trong những dấu hiệu cho thấy Mỹ - Trung chưa thể đạt một thoả thuận lâu dài là ông Trump vẫn chưa trò chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi tái đắc cử.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent thừa nhận rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang bị đình trệ, nhưng ông tin rằng chúng sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Ông nói thêm rằng cuộc điện đàm giữa nguyên thủ hai nước sẽ diễn ra trong tương lai.

Bắc Kinh vẫn kiềm chế

Vào ngày 28/5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thông báo chính quyền ông Trump sẽ “mạnh tay” thu hồi visa của sinh viên Trung Quốc - nhóm du học sinh đông thứ hai tại Mỹ.

Bà Mao Ning, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trích chính sách này mang tính “phân biệt đối xử” và sẽ “càng làm tổn hại” tiếng tăm của Mỹ trên trường quốc tế.

Phản ứng của Bắc Kinh khá kiềm chế, đồng thời các quan chức không báo hiệu sẽ có động thái trả đũa nào. Tờ Bloomberg nhận xét có vẻ Bắc Kinh đang tránh khiến mối quan hệ song phương xuống dốc lần nữa.

Quyết định đưa du học sinh Trung Quốc vào diện giám sát chặt chẽ hơn phản ánh mối ngờ vực sâu sắc của Washington với Bắc Kinh.

Trái với ông Trump, ông Tập từng nhận xét việc giao lưu giữa nhân dân hai nước là nền tảng để thiết lập mối quan hệ lành mạnh với Mỹ. Vào năm 2023, ông Tập hứa sẽ nỗ lực để đưa 50.000 thanh niên Mỹ đến Trung Quốc trong vòng 5 năm để ổn định quan hệ song phương.

Một quan chức Trung Quốc cho biết khoảng 16.000 thanh niên Mỹ đã tham gia vào chương trình này trong năm 2024.

Việc trục xuất sinh viên Trung Quốc khỏi Mỹ có nguy cơ khơi lại một mâu thuẫn nhạy cảm giữa hai nước từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Khi đó, Mỹ thu hồi visa của hơn 1.000 sinh viên và học giả Trung Quốc, cáo buộc họ đánh cắp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ để giao cho quân đội Trung Quốc.

Việc Mỹ tạo ra môi trường kém thân thiện với sinh viên quốc tế có thể khiến các nhân tài quay trở về Trung Quốc. Điều này sẽ giúp ích cho tham vọng của Bắc Kinh là củng cố sự đổi mới và sáng tạo trong nước. Ông Tập đang nỗ lực biến sản xuất công nghệ cao thành động lực tăng trưởng chủ chốt cho nền kinh tế.

Bà Jessica Chen Weiss, Giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao của Đại học Johns Hopkins, chỉ ra rằng sinh viên Trung Quốc đã có những đóng góp quan trọng cho ngành công nghệ và khoa học của Mỹ.

Trong quá khứ, Mỹ từng ngăn cản nhà khoa học tên lửa hàng đầu thế giới Qian Xuesen tiếp tục sự nghiệp ở nước này, dù ông là người đồng sáng lập phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA tại Caltech.

Rốt cuộc, điều đó lại đem đến lợi ích cho Trung Quốc. Bà Chen Weiss cho biết: “Sau đó ông Xuesen quay trở về Trung Quốc và góp sức phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của Trung Quốc”.